Du lịch Tây Bắc: Sẽ có ngày thế giới gọi tên

Google News

(Kiến Thức) - Vẫn còn đó rất nhiều trăn trở về bài toán đánh thức tiềm năng du lịch Tây Bắc, bởi sở hữu trong mình vô vàn lợi thế nhưng du lịch Tây Bắc vẫn còn như “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Tây Bắc vẫn đang đợi những “chàng hoàng tử”- những doanh nghiệp đủ dũng cảm dừng chân và đánh thức tiềm năng du lịch nơi đây, đưa Tây bắc trở thành điểm đến mơ ước trên bản đồ du lịch thế giới.

Du lịch thế giới, góc nhìn từ những độ cao nghìn mét
Nepal tự hào sở hữu 8 trong số 10 ngọn núi cao nhất trên thế giới, bao gồm cả đỉnh Everest ở độ cao 9000m. Và núi cũng là nguồn tài nguyên chính, đóng một vai trò quan trọng thúc đẩy du lịch ở Nepal. Ngành du lịch núi cung cấp việc làm cho hàng ngàn người, cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp, là nguồn thu ngoại tệ lớn, đem lại cho chính phủ nguồn thu lớn. Trước khi có trận động đất kinh hoàng năm 2015, lượng khách du lịch nước ngoài đến Nepal đã tăng 0,3% vào năm 2013 so với 803.092 lượt khách vào năm 2012.
 
Thụy Sỹ, một đất nước trên diện tích hơn 41.000 km2, 70% là núi non gắn liền với khung cảnh hùng vĩ, chỉ với hơn 7,5 triệu dân nhưng đón tới 20 triệu du khách mỗi năm. Trong số khoảng 100 ngọn núi cao ở Thụy Sĩ cùng 1.800 dòng sông băng, có hai địa chỉ trượt tuyết nổi tiếng là đỉnh núi Titlis ở Engelberg và Matterhorn ở Zermatt. Nơi đây chỉ có 1.600 dân "thường trú" nhưng bình quân mỗi ngày họ phục vụ khoảng hơn 5.000 du khách. Muốn chinh phục núi Titlis trên độ cao hơn 3.000m, nằm trong thung lũng trên cao nguyên giá lạnh, du khách phải trải qua một hành trình đặc biệt thú vị và ngoạn mục: ba lần đổi hệ thống cáp treo, trong đó có một hệ thống cáp treo Rotair vừa xoay vòng, vừa được kéo lên đỉnh núi. Hệ thống cáp treo hầu như có mặt khắp nơi ở các đỉnh núi cao của đất nước này nhưng Rotair chính là xe cáp treo xoay vần đầu tiên và lớn nhất thế giới (sau đó mới đến xe cáp treo tương tự ở thành phố Cape Town, Nam Phi). Bên cạnh đó, ngồi trên đoàn tàu điện mang tên "Sông băng tốc hành" (Glacier Express), du khách cũng sẽ được khám phá gần hết chiều ngang của miền nam Thụy Sĩ. Con tàu là một kỳ công của công nghệ đường sắt, nó băng qua vực sông Rin, những hồ nước trên núi cao, 291 cây cầu lớn, nhỏ, 91 đường hầm và rất nhiều cầu dẫn nước.
 
Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều đỉnh núi lừng danh trên bản đồ du lịch thế giới. Còn những núi Phú Sĩ của Nhật Bản cao 3.776m; Núi Bàn, Cape Town, Nam Phi cao 1.086m, Mái vòm đá hoa cương Half Dome, bang California, Mỹ cao hơn 1.440m; Ngọn núi Olympus, nơi ở của 12 vị thần trong truyền thuyết Hi Lạp cao 2.917m, Đỉnh Adam Sri Lanka cao 2.243m… Mỗi nước có một cách làm du lịch vùng núi khác nhau nhưng điểm chung là tất cả đều là những địa điểm du lịch thu hút khách hàng đầu trên thế giới, mang lại nguồn thu khổng lồ cho đất nước và giải quyết công ăn việc làm cho cả nghìn người dân địa phương.
Sẽ có ngày thế giới gọi tên
Mặc dù thiên nhiên không có nhiều ưu đãi để phát triển nông nghiệp nhưng vùng núi cao Tây Bắc lại đang sở hữu trong mình những báu vật vô giá của du lịch. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn: “Sự khác biệt nổi bật và dễ nhận thấy nhất ở Tây Bắc so với các vùng khác là hội tụ đủ 3 yếu tố: thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng”.
 
Điều cuốn hút đầu tiên của Tây Bắc chính là thiên nhiên hùng vĩ với những đỉnh núi cao chót vót hiểm trở, những con đường đèo chênh vênh nhưng cũng rất thơ mộng khi uốn mình quanh sườn núi chạm vào chân mây hay lấp ló trong sương mù như Đèo Ô Quy Hồ, Khau Phạ, Mã Pí Lèng, Pha Đin… Dọc hành trình khám phá là các ruộng bậc thang, các cánh đồng hoa trải dài ngút tầm mắt … Rồi đỉnh Fansipan, "Nóc nhà Đông Dương" cao 3.143 m, cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), cảnh quan Mèo Vạc, ruộng bậc thang Mù Cang Chải – danh thắng Quốc gia ở Yên Bái, vùng văn hoá Mường Lò – Nghĩa Lộ (Yên Bái), Vườn Quốc gia Hoàng Liên… Tây Bắc có trong tay những điểm vàng du lịch. Chưa kể, điều kiện khí hậu trong lành của Tây Bắc rất phù hợp với loại hình du lịch nghỉ dưỡng.
Trong nhiều năm trở lại đây, sự phát triển của du lịch đã đem lại thay đổi tích cực cho kinh tế, xã hội vùng Tây Bắc, tuy nhiên tiềm năng của du lịch Tây Bắc vẫn chưa được khai thác tương xứng. Theo Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch: “Hiện tại các tỉnh Tây Bắc chủ yếu đang làm du lịch theo thời vụ, chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch quanh năm”. Còn theo bà Đỗ Thị Thanh Hoa - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch: “Đâu đâu cũng phát triển du lịch sinh thái, nhưng du khách đến thì thấy không phải vậy, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch, tâm lý du khách”.
Đã đến lúc tiềm năng Tây Bắc phải được đánh thức, nhưng công việc đó không thể thực hiện một sớm một chiều. Nhà nước đã có định hướng phát triển, các tỉnh Tây Bắc đã và đang thực hiện các chính sách hấp dẫn kêu gọi đầu tư trong đó có nhiều chính sách hấp dẫn đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Điều kiện cần đã có, điều kiện đủ sẽ là lời đáp từ những doanh nghiệp. Thổi bùng lên tiềm năng du lịch Tây Bắc, không chỉ cần nỗ lực chung của chính quyền, cơ quan quản lý, của xã hội, hiện thực nhất, nơi đây cần những dòng đầu tư “nghìn tỷ” từ những doanh nghiệp có chiến lược dài hạn, có tư duy theo kịp tư duy du lịch tiến tiến trên Thế giới để cùng với chính quyền địa phương đưa ra những sản phẩm du lịch mới, những công trình du lịch độc đáo, khác biệt mang tầm quốc tế, tạo lực hấp dẫn mới thu hút khách du lịch trong nước và thế giới đến với Tây Bắc.
“Tây Bắc: sẽ có ngày thế giới gọi tên” ước mơ ấy bây giờ có thể còn quá sớm. Nhưng kinh nghiệm thành công từ các nước trên thế giới, các nước trong khu vực và ngay tại Việt Nam với các dự án đánh thức tiềm năng du lịch của Đà Nẵng, hay Phú Quốc … cho phép chúng ta tin tưởng một ngày không xa Tây Bắc sẽ làm được điều đó.
PV