Cuối tuần qua, hàng triệu người Hong Kong đổ xuống đường để biểu tình phản đối dự luận dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc. Nhiều người cho rằng đây là mối đe dọa trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp.
Chia sẻ với CNN, Duncan Innes-Ker, giám đốc khu vực châu Á của Economist Intelligence Unit nói: "Mối lo ngại chính là luật dẫn độ sẽ khiến các nhà điều hành (doanh nghiệp) nước ngoài ở Hong Kong phải đối mặt với sự thất thường của hệ thống luật pháp Trung Quốc đại lục”.
Các doanh nhân ở Hong Kong lo ngại rằng luật mới có thể khiến họ bị lực lượng chức năng Trung Quốc động tới vì lý do chính trị hoặc các vi phạm về buôn bán do sơ suất. Việc này có thể làm suy yếu hệ thống pháp lý bán tự trị của Hong Kong.
|
Người dân biểu tình phản đối luật dẫn độ sang Trung Quốc. Ảnh: CNN. |
“Sự tín nhiệm đối với Hong Kong đang bị đe dọa”, bà Tara Joseph, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Hong Kong, cho biết.
Vài tuần gần đây, các nhóm doanh nghiệp nước ngoài - vốn đứng ngoài các vấn đề chính trị gây tranh cãi cũng lên tiếng phản đối dự luật này. Các lãnh đạo đang kín đáo vận động hành lang, cảnh báo các nhà làm luật Hong Kong rằng việc này có thể khiến danh tiếng của Hong Kong đi xuống
Trên CNN, một lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế lớn ở Hong Kong thừa nhận rằng các doanh nghiệp nước ngoài luôn phải đối mặt với một số rủi ro khi vận hành ở nước khác. Tuy nhiên, giá trị của Hong Kong nằm ở khả năng giảm thiểu các rủi ro này thông qua các điều luật, tự do ngôn luận, tự do báo chí và tư pháp độc lập.
Vị doanh nhân này cũng nói thêm rằng các lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế ở Hong Kong sẽ cần phải đánh giá mức độ rủi ro của luật dẫn độ với công việc làm ăn của họ và cân nhắc khía cạnh này với các lựa chọn thay thế.
Với giá thuê văn phòng đắt đỏ,
Hong Kong phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các trung tâm tài chính khác trong khu vực. Trong số đó, Singapore nổi lên là đối thủ đáng gờm, bên cạnh các thành phố của Trung Quốc như Thượng Hải và Thâm Quyến.
Để đảm bảo sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền Hong Kong đã nỗ lực thu hẹp các tội danh có thể bị dẫn độ. Tuy nhiên, với một số người, chừng đó vẫn là chưa đủ.
Nếu hệ thống pháp lý của Hong Kong không còn như trước, các công ty có thể đặt câu hỏi tại sao họ không rời bỏ và đưa trụ sở hoạt động kinh doanh tới Trung Quốc đại lục, nơi chi phí “dễ thở” hơn nhiều, hoặc mở văn phòng nhỏ ở Trung Quốc và đặt trụ sở ở một trung tâm tài chính châu Á khác như Singapore.
Ông Innes-Ker cho rằng việc này không thể xảy ra ngay lập tức mà có thể dịch chuyển về dài hạn. Thế nhưng, giới điều hành doanh nghiệp từ các nước "có quan hệ căng thẳng với Trung Quốc, chẳng hạn như Mỹ, có thể bắt đầu né tránh Hong Kong".
Hoàng Minh (theo CNN)