Eximbank hoãn đại hội cổ đông: Bao nhiêu lần nội bộ đấu đá?

Google News

(Kiến Thức) - Việc Eximbank phải hoãn đại hội cổ đông chiều 30/6 dường như không phải là điều quá khó hiểu bởi tranh chấp giữa các nhóm cổ đông lớn tại Eximbank đến nay vẫn chưa có hồi kết.
 

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) dự kiến tổ chức sáng 30/6. Tuy nhiên, đến 9h40 mới có 133 cổ đông tham dự với số cổ phần là hơn 215 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 17,54%, không đủ túc số để ngân hàng tiến hành đại hội cổ đông thường niên theo quy định. Điều này buộc ông Trần Ngọc Dũng –Trưởng Ban thẩm tra tư cách cổ đông tuyên bố đại hội không đủ điều kiện tiến hành.
Vào 2h chiều cùng ngày, Eximbank dự kiến tổ chức đại hội cổ đông bất thường. Thế nhưng, cả phiên đại hội cổ đông chiều 30/6 cũng không thể diễn ra khi số cổ đông tham dự chỉ đại diện 51,9% tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết.
Như vậy, trong cùng một ngày, hai đại hội cổ đông của Eximbank đều tổ chức bất thành.

Video: Hoãn xét xử vụ lừa đảo tại ngân hàng Eximbank. Nguồn: VTC1


Eximbank hoan dai hoi co dong: Bao nhieu lan noi bo dau da?
Hai đại hội cổ đông của Eximbank đều tổ chức bất thành trong ngày 30/6. Ảnh: Lao động
Việc Eximbank hoãn đại hội cổ đông không phải là điều quá khó hiểu bởi tranh chấp giữa các nhóm cổ đông lớn tại Eximbank đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Chỉ 5 ngày trước đại hội cổ đông, Chủ tịch HĐQT Eximbank Cao Xuân Ninh từ nhiệm. Ngay lập tức, HĐQT Eximbank đã tổ chức phiên họp và bầu ông Yasuhiro Saitoh, phó chủ tịch HĐQT, làm chủ tịch thay ông Ninh.
Điều bất ngờ là tân chủ tịch HĐQT Eximbank Yasuhiro Saitoh là người mà cổ đông lớn Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - nắm 15% vốn tại Eximbank - đã yêu cầu bỏ phiếu bãi nhiệm chức phó chủ tịch HĐQT tại đại hội cổ đông bất thường dự kiến tổ chức chiều 30/6.
Bên cạnh yêu cầu bãi nhiệm ông Saitoh, cổ đông lớn SMBC cũng đưa ra hàng loạt yêu cầu khác như Eximbank phải cắt giảm quy mô HĐQT, bỏ phiếu không bãi nhiệm hay bãi nhiệm đối với từng thành viên HĐQT ngay tại cuộc họp cổ đông cổ đông bất thường tổ chức chiều 30/6.
Năm nay cũng là năm thứ hai liên tiếp phiên họp thường niên của ngân hàng Eximbank không thể diễn ra theo kế hoạch. Năm ngoái, số lượng cổ đông tham dự đông hơn với 199 cá nhân, tổ chức đại diện cổ phần có quyền biểu quyết là 57,62% nhưng cũng không đủ điều kiện.
Phiên họp năm ngoái còn "dậy sóng" bởi tranh luận gay gắt giữa các nhóm cổ đông xoay quanh tính hợp pháp của nghị quyết bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị. Theo đó, ông Cao Xuân Ninh khẳng định chức danh chủ tịch của mình tại ngân hàng này hợp pháp, trong khi cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) cho rằng mâu thuẫn nhân sự cấp cao cho thấy cổ đông không tin tưởng vào ông Ninh nên đề nghị bầu lại.
Thời gian qua ở Eximbank, việc tranh chấp ghế nóng Chủ tịch HĐQT giữa các nhóm cổ đông đã trở thành chuyện không có gì mới lạ. Bắt đầu từ năm 2015, khi HĐQT cũ của ngân hàng này hết nhiệm kỳ và phải bầu lại toàn bộ thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ mới 2015-2020, bắt đầu diễn ra tranh chấp ghế HĐQT giữa các nhóm cổ đông và kéo dài cho đến nay.
Đỉnh điểm là vào tháng 3/2019, HĐQT Eximbank ban hành nghị quyết bầu bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên HĐQT làm Chủ tịch HĐQT. Song ông Lê Minh Quốc, nguyên Chủ tịch HĐQT Eximbank, đã khởi kiện và yêu cầu Tòa án nhân dân TPHCM áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng nghị quyết bầu bà Tú làm Chủ tịch HĐQT.
Đến ngày 22/5/2019, HĐQT Eximbank lại ban hành nghị quyết bầu ông Cao Xuân Ninh, thành viên HĐQT, giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 - 2020). Chưa đầy 1 tháng ngồi vào ghế nóng đã xuất hiện lá đơn từ chức của ông Ninh vì lý do cổ đông, nhóm cổ đông có quá nhiều bất đồng khó dung hòa, dẫn đến các tranh chấp nội bộ gây khó khăn rất lớn trong quản trị, điều hành, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và hoạt động của ngân hàng. Và mới đây, với lần thứ 3 xin từ chức, nguyện vọng của ông Ninh mới được chấp thuận.
Hoàng Minh (tổng hợp)