LTS: "Với thuật toán của Facebook, người dùng chỉ được nhìn thấy một số nội dung mà người ta muốn và thích đọc. Đó là lý do thông tin bị bóp méo và những nạn nhân lớn nhất là các cá nhân và doanh nghiệp". Xin giới thiệu góc nhìn của ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm GĐ Tập đoàn truyền thông Le Bros.
Gần đây tôi trình bày một báo cáo về chuyển dịch thị trường báo chí Việt Nam trong bối cảnh mạng xã hội và nạn tin giả để minh hoạ cho vấn nạn tin giả và cuộc chiến giữa báo chí với mạng xã hội như là cuộc chiến thành Troy.
Báo chí đang đứng trước thách thức lớn trong cạnh tranh với tin tức trên mạng xã hội. Tôi cho rằng, báo chí sẽ không bao giờ cạnh tranh được với mạng xã hội về bằng tốc độ, nhưng sẽ cạnh tranh được bằng sự trung thực, chính xác của thông tin. Đây là giá trị mà nhờ đó báo chí tồn tại, sống khoẻ qua việc nâng cao chất lượng. Báo chí cần cố gắng đầu tư, bỏ nhiều công sức để đưa tới người đọc bài báo chất lượng cao, đa chiều, thông tin chính xác.
Hiện nay, theo Báo cáo đánh giá công tác báo chí 2018 của Ban Tuyên giáo Trung ương, doanh thu của các cơ quan báo chí điện tử và báo in khoảng 4.900 tỷ đồng, truyền hình hơn 10.000 tỷ đồng.
Câu hỏi đặt ra, đây có phải bản chất hiệu quả kinh doanh các cơ quan báo chí hay không?
Để lý giải câu hỏi này, tôi xin đề cập đến cuộc chiến giữa 2 người khổng lồ là Facebook và Google với báo chí Việt Nam cùng với các doanh nghiệp truyền thông Việt Nam.
Theo ANTS và một vài nguồn tin khác, doanh thu quảng cáo trực tuyến của Việt Nam năm 2010 khoảng 26 triệu USD, trong đó miếng bánh cho Google còn rất nhỏ và Facebook gần như không có gì. Đến năm 2018, tổng doanh thu trực tuyến chúng ta đạt tới 550 triệu USD, và điều đáng nói là Facebook và Google cộng lại là 387 triệu USD, chiếm gần hết số doanh thu này. Dự báo hết năm nay tổng doanh thu ngành quảng cáo trực tuyến sẽ gia tăng lên khoảng 630 triệu USD, và doanh thu tương ứng của Facebook và Google tăng lên theo, tổng cộng khoảng 450 triệu USD.
Trong khi đó, tỷ lệ cơ quan báo chí được hưởng doanh thu từ quảng cáo trực tuyến giảm xuống 31% năm 2018 và tiếp tục giảm xuống 29% năm 2019 so với 81% của 2010.
|
Mạng xã hội chỉ zoom vào một khía cạnh của vấn đề, và như vậy chỉ cho phép người dùng nhìn thấy một phần sự thật mà thôi. |
Đứng trước sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0 chúng ta buộc phải sống chung với những gì công nghệ mang lại. Công nghệ phát triển và chúng ta ngày càng phụ thuộc các hoạt động truyền thông trên các nền tảng số như Facebook, Google. Báo chí ngày nay có sự phụ thuộc nhất định với mạng xã hội và gần như không thể không tách ra được.
Người đọc hiện nay phần lớn truy cập tới các phương tiện truyền thông số thông qua mạng xã hội. Cho nên, ít hay nhiều, muốn hay không, báo chí vẫn phải sống cùng với mạng xã hội. Không chỉ có Facebook, YouTube, Instagram… mà còn rất nhiều mạng xã hội khác phục vụ nhu cầu thông tin khác nhau của người dùng. Làm thế nào báo chí tồn tại mạnh mẽ bên cạnh các nền tảng truyền thông xã hội đó? Làm thế nào tạo ra sức mạnh của báo chí khi đứng cạnh các nền tảng xã hội cung cấp nhiều thông tin hữu ích như thế này?
Người ta dự đoán đến 2021 có khoảng hơn 3 tỷ người sử dụng mạng xã hội trên toàn cầu. Còn ở Việt Nam chúng ta có 57,43% cư dân sử dụng Facebook, 12,81% sử dụng YouTube và còn tiếp tục gia tăng.
Trong báo cáo của Viện Pew Research có 80% người Việt Nam cho rằng, mạng xã hội là tích cực, chỉ có 6% cho rằng tiêu cực. Điều này nói lên rằng, bất chấp những hệ luỵ xã hội mà chúng ta đang nhìn thấy, phần lớn công chúng vẫn coi mạng xã hội là nền tảng cần thiết.
Mạng xã hội đang cung cấp cho người dùng cái gì? Nó chỉ zoom vào một khía cạnh của vấn đề, và như vậy chỉ cho phép người dùng nhìn thấy một phần sự thật mà thôi. Với thuật toán của Facebook, người dùng chỉ được nhìn thấy một số nội dung mà người ta muốn và thích đọc. Đó là lý do thông tin bị bóp méo. Đây chính là thế mạnh của các cơ quan báo chí. Phải làm thế nào cung cấp cho người đọc bức tranh toàn cảnh về sự thật và cách nhìn đa chiều về sự thật đó mới có thể đảm bảo tính chân thực của báo chí, làm thế nào để báo chí trở thành kênh thông tin được tìm đọc.
Những gì chúng ta thấy trên mạng xã hội là bức tranh khác, méo mó. Những nạn nhân lớn nhất là các cá nhân và doanh nghiệp, những người bị tấn công khủng khiếp trên mạng xã hội. Rất nhiều trong số họ đứng trước tình trạng bị xã hội tẩy chay, ruồng bỏ, tạo ra hệ luỵ rất lớn về kinh doanh. Cách nhìn nhận méo mó của công chúng với mạng xã hội từng được báo chí chia sẻ rồi.
Vậy, mạng xã hội và báo chí đang cạnh tranh với nhau ở những điểm nào?
Thứ nhất, sự chuyển dịch của mạng xã hội. Không chỉ cơ quan báo chí mà các doanh nghiệp đều sống phụ thuộc vào truyền thông xã hội. Người dân đang chuyển dịch việc đọc tin, giải trí sang mạng xã hội và việc sử dụng mạng xã hội như nền tảng truyền thông cốt lõi với xã hội là hiển nhiên và chúng ta phải chấp nhận.
Thứ hai, hầu như bất cứ người dân nào đều có tài khoản trên mạng xã hội họ có thể hành động như một nhà báo.
Thứ ba, phần lớn nội dung chúng ta tiếp cận trên mạng xã hội do người dùng tạo ra và nó đang đóng vai trò chính cho hoạt động truyền thông trên toàn hệ thống Internet. Báo chí chúng ta thường đặt người đọc vào vị trí thụ động tiếp thu trong khi truyền thông xã hội đặt người đọc ở trung tâm và tạo cơ chế tiếp nhận thông tin linh hoạt, đa chiều. Thế thì đặc tính của mạng xã hội và báo chí chính thống là như vậy. Bài toán là làm thế nào người đọc tìm đến báo chí chính thống một cách chủ động.
Loại nội dung do người dùng tạo ra lại là tác nhân gia tăng hiệu quả cho các trang web, trong đó có cả cơ quan báo chí. Theo nghiên cứu của trang Wayin.com, nếu có giải pháp đưa loại nội dung này lên các trang báo, chúng ta có thể giảm tỷ lệ 10% số người vào trang của mình rồi thoát ra, hay có thể tăng được lượng click 22%, tăng thời gian đọc khoảng 300%. Điều này cho thấy báo chí cần có cách khai thác, sử dụng các thông tin người sử dụng. Các loại bình luận, comment của người dùng trên báo chí có giá trị rất lớn, vấn đề là làm thế nào quản lý nó.
Liên quan đến tin giả, đây là một thảm họa. Gần đây, Facebook tuyên bố đã gỡ khoảng 2,2 tỷ tài khoản giả mạo trên toàn cầu trong 3 tháng đầu năm nay. Điều này cho thấy, đây là vấn đề toàn cầu. Đây là vấn đề liên quan đến thế và lực của báo chí chính thống và mạng xã hội. Vậy báo chí sẽ chiến đấu như thế nào để chiến thắng mạng xã hội?
Đầu tiên báo chí phải trở thành một kênh thông tin được chọn lựa cho người đọc. Tôi cho rằng, báo chí phải đạt được 3 yếu tố cùng một lúc. Thứ nhất, báo chí phải có chất lượng cao, đảm bảo tính trung thực, độc lập, khách quan mà mạng xã hội không bao giờ có được. Báo chí cần đi chậm lại. Thứ hai, phải có cơ chế bảo vệ tác quyền. Cuối cùng là giải pháp doanh thu từ người đọc. Đó là 3 yếu tố song hành không thể bóc tách để tạo ra vị thế mạnh mẽ cho cơ quan báo chí.
Tôi từng làm nghiên cứu trên nhiều nhóm có tính chuyên môn cao, xem công chúng và doanh nghiệp phản ứng thế nào với mô hình báo chí tôi trình bày trên đây. Thì 81% lựa chọn báo chí có số lượng người đọc phù hợp và là tờ báo có uy tín; 99% người đọc muốn một tờ báo xác tín, tôn trọng bản quyền, khách quan và công bằng.
Như vậy báo chí phải quan tâm chất lượng, tạo sự cạnh tranh khác hẳn so với truyền thông xã hội. Thông tin trên báo chí phải chính thống, xác tín, tin cậy để người đọc thấy thông tin trên mạng xã hội, còn hoài nghi thì phải tìm tới báo chí để kiểm chứng. Chúng ta phải tạo ra nền tảng báo chí như vậy để cạnh tranh và có doanh thu, thu nhập tốt nhất.
Báo chí là người gác cổng của công chúng. Vấn đề là người gác cổng này cho công chúng loại thông tin nào? Đó phải là loại thông tin đúng và đáng. Đúng là tôn chỉ rồi. Còn đáng nghĩa là thông tin nào đáng đăng tải mới đăng tải. Đó là tôn chỉ để đảm bảo các tờ báo là xác tín, đáng tin cậy.
Theo Tư Giang/Vietnamnet