|
Vinalines vẫn chìm đắm trong những khoản lỗ, nợ. |
Sáng này 5/9/2018, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã bán đấu giá lô 488,8 triệu cổ phần ra công chúng. Tuy nhiên, kết thúc phiên đấu giá chỉ 5,4 triệu cổ phần được bán cho 41 nhà đầu tư, tức chỉ đạt 1,1% so với lượng chào bán.
Giá trúng giá bình quân cũng chỉ 10.002 đồng/cổ phần, cao hơn 2 đồng so với giá chào bán.
Việc "ế nặng" của cổ phiếu Vinalines không ngoài dự đoán của giới tài chính khi những khó khăn nội tại của doanh nghiệp vận tải biển này vẫn chưa được gỡ bỏ. Những khoản lỗ, nợ ngàn tỷ vẫn níu chân doanh nghiệp này trong hành trình chinh phục biển khơi.
Theo phương án cổ phần hóa, tổng số cổ phần phát hành lần đầu của Vinalines là hơn 1,4 tỷ cổ phần. Trong đó, cổ phần Nhà nước hơn 912 triệu cổ phần, chiếm 65% vốn điều lệ. Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 207,8 triệu cổ phần, chiếm 14,8% vốn điều lệ. Cổ phần bán đấu giá công khai là 280,9 triệu cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại được bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên, do chỉ có Công ty TNHH SK Securities (thuộc tập đoàn SK Group của Hàn Quốc) đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược nhưng không đáp ứng đủ điều kiện, Bộ Giao thông Vận tải đã phải chuyển số cổ phần dự kiến chào bán cho cổ đông chiến lược thành cổ phần thực hiện bán đấu giá công khai.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước được thành lập từ năm 1995. Năm 2006, công ty chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Năm 2010, công ty mẹ của Vinalines chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Tại thời điểm 31/12/2017, Vinalines sở hữu 19 công ty con với tỷ lệ sở hữu trên 50% vốn điều lệ, có tổng mức vốn đầu tư 7.444 tỷ đồng gồm 10 công ty kinh doanh khai thác cảng biển, 5 công ty kinh doanh vận tải biển và 4 công ty kinh doanh dịch vụ hàng hải.
Ngoài ra, Vinalines còn sở hữu 11 công ty liên kết với mức vốn góp từ 20%-50% và 4 công ty đầu tư góp vốn với mức vốn góp dưới 20% vốn điều lệ.
Giá trị thực tế doanh nghiệp để cổ phần hóa của Vinalines tại ngày 31/12/2016 đạt hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 11.900 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, Vinalines đang quản lý và sử dụng hơn 1 triệu m2 đất gồm đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất là 871 nghìn m2 và đất được Nhà nước cho thuê là 177 nghìn m2.
Báo cáo tài chính hợp nhất của Vinalines năm 2017 ghi nhận mức doanh thu 13.572 tỷ đồng, giảm 7,4% so với năm trước đó. Tổng công ty kinh doanh khá bết bát khi lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh âm 537 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lợi nhuận khác ghi nhận 1.506 tỷ đồng lãi giúp tổng công ty đạt lợi nhuận sau thuế 748 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước đó.
Tính đến cuối năm 2017, Vinalines có tổng tài sản 28.137 tỷ đồng, riêng nợ phải trả đã lên tới 20.169 tỷ. Trong cơ cấu nợ của doanh nghiệp, nợ ngắn hạn là 11.309 tỷ, nợ dài hạn 8.859 tỷ đồng. Chiếm phần lớn nhất là vay nợ ngắn hạn và dài hạn với tổng số vay vượt 11.200 tỷ đồng.
Đặc biệt, Vinalines vẫn lỗ luỹ kế 3.253 tỷ đồng. Mức lỗ này trầm trọng hơn so với thời điểm cuối năm 2016 với 2.307 tỷ đồng.
Việc lỗ của Vinalines được dự báo sẽ gia tăng đáng kể trong năm 2018. Theo kế hoạch của công ty mẹ Vinalines, 6 tháng năm 2018 doanh thu dự kiến đạt 533 tỷ đồng, lỗ 1.140 tỷ đồng. 6 tháng cuối năm 2018, doanh thu 504 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 143 tỷ. Với kế hoạch như vậy, Vinalines sẽ phải ôm khoản lỗ luỹ kế nghìn tỷ rất lâu nữa.
Những năm gần đây, Vinalines liên tục bán bớt cổ phần tại các cảng biển, cho phá sản nhiều công ty, thanh lý tàu cũ…khiến tình hình tài chính được cải thiện. Song hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn bết bát khiến cho công ty vẫn thua lỗ kéo dài.
Theo Bạch Dương/VnEconomy