Còn hơn một tháng nữa mới đến tết, nhu cầu tiêu thụ bia còn thấp nhưng hiện nay giá một số loại bia đã tăng đến 10.000 đồng/thùng.
Không chỉ vậy nhiều đại lý, cửa hàng bán bia cho biết hiện chỉ bán bia Tiger, Heineken bao bì ngày thường chứ loại bia “xuân” (bao bì in hình “xuân”) thì không có hàng.
Mỗi nơi mỗi giá
Theo khảo sát của chúng tôi, dù lượng bia trên thị trường khá dồi dào nhưng giá bán lẻ mỗi nơi mỗi khác. Anh Nguyễn Vinh, nhà ở quận Tân Bình, vừa mua một két bia nói: “Tôi rất ngạc nhiên vì chưa vào cao điểm mùa bia tết mà giá đã tăng. Tôi thắc mắc thì người bán trả lời do giá công ty bia tăng nên họ phải tăng theo”.
Ghé vào một cửa hàng tạp hóa ở quận Tân Phú, chị Hương, chủ cửa hàng, nhận xét giá bia xuân mỗi ngày mỗi nhích lên. Hiện bia Tiger thường 310.000 đồng/thùng, thấp hơn bia xuân 5.000 đồng, Heineken xuân 375.000 đồng một thùng.
Chị Hương nói: “Mấy ngày qua tôi chỉ bán bia thường chứ bia xuân để dành bán vào những ngày tết âm lịch vì nghe nói nhà máy đã ngưng sản xuất hàng xuân. Tôi muốn nhập nhiều bia xuân để trữ lại bán vào ngày cận tết nhưng rất ít hàng. Tôi nghĩ có thể nhà phân phối ém hàng để gần tết âm lịch mới bán cho được giá”.
Một nhà phân phối bia thì nói do nhà máy không sản xuất bia xuân nên một số cửa hàng bán lẻ đã trữ lại, không bán ra. Điều này dẫn đến tình trạng bia xuân và bia thường chênh lệch nhau 10.000 -15.000 đồng/thùng.
Đại diện Siêu thị Aeon Citimart (quận 7) cho biết cuối tháng 11 vừa qua nhận được thông báo tăng giá bia Tiger lên 5.000 đồng/thùng. Hiện mỗi thùng bia xuân ở siêu thị bán 310.000 đồng, còn Heineken 372.000 đồng/thùng. “Do sức mua bia xuân Tiger tăng nên giá mặt hàng này tăng theo” - đại diện siêu thị này lý giải.
|
Chưa vào cao điểm mua sắm nhưng giá một số loại bia đã tăng. Trong ảnh: Khách hàng đang mua bia tại siêu thị. Ảnh: TÚ UYÊN |
Bia tăng vì thuế?
Vì sao sức mua bia chưa vào cao điểm nhưng giá lại tăng? Chị Hương giải thích: “Một số đầu nậu bia nói do tỉ giá tăng, phải vay hoặc mua USD với giá cao… nên phải tăng giá bán bia mới có lời. Thêm nữa cũng có hiện tượng găm hàng, tạo khan hiếm giả tạo để tăng giá bán”.
Trong khi đó, các công ty bia khẳng định giá bia bán lẻ là do thị trường quyết định chứ các công ty không tăng giá. Ông Mikio Masawaki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sapporo Việt Nam, nói: “Để bảo đảm giá cả ổn định, chúng tôi có sự hợp tác tốt với các nhà phân phối trong việc bảo đảm lượng hàng phục vụ ra thị trường. Về cơ bản, khi hàng hóa được bảo đảm đủ sẽ không xảy ra tình trạng biến động về giá do không đủ cung”.
Đại diện nhà máy bia Heineken Việt Nam thì nói nếu nhu cầu thị trường tăng 15%-20% công ty vẫn đảm bảo cung ứng. “Công ty có sự điều tiết phù hợp nhằm đảm bảo sản phẩm ra thị trường ổn định” - đại diện công ty này khẳng định.
trả lời câu hỏi “Các doanh nghiệp bia nói không tăng giá nhưng vì sao giá bia trên thị trường vẫn tăng?”, Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam Nguyễn Văn Việt nhìn nhận thuế tiêu thụ đặc biệt đã tăng và đang gây áp lực cho các công ty bia. “Thêm nữa hằng năm cứ đến lễ tết, nhu cầu tiêu dùng tăng lên so với ngày thường. Đây là cơ hội cho những người kinh doanh đẩy giá tăng” - ông Việt nói.
Sở Công Thương TP.HCM khẳng định lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra các mặt hàng thiết yếu phục vụ tết trong đó có bia, rượu, nước giải khát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm về giá, găm hàng.
Tăng 30 % Sở Công Thương TP.HCM dự báo trong tháng tết nhu cầu tiêu thụ bia trên địa bàn TP.HCM khoảng 40 triệu lít và 45 triệu lít nước giải khát, tăng khoảng 30% so với tháng thường. Các nhà máy bia cam kết sẽ không tăng giá vào dịp tết.
Xem clip Cốc bia 2,5 triệu: Giá chát phải trả của 'bợm' nhậu (Nguồn: VTC):
Theo Tú Uyên/ Pháp Luật TP HCM