Giá cà phê nhân đang tăng cao liên tiếp những ngày qua. Ngày 12/3, dù giá thu mua ở khu vực Tây nguyên có giảm chút ít nhưng vẫn vượt mức 90.000 đồng/kg. Điều này khiến cho nhiều hàng quán cà phê lo lắng về giá bán lẻ.
Giá nguyên liệu tăng, chủ quán cà phê lo
Chị Minh Tâm, chủ quán cà phê N.G (Gò Vấp, TP.HCM) cho biết từ đầu năm tới nay, chị đã hai lần nhận thông báo điều chỉnh giá cà phê nguyên liệu. Theo đó, mức tăng giá mỗi lần dao động từ 5.000 – 10.000 đồng/kg tùy loại.
“Thông báo lần thứ 1, công ty cho biết sẽ áp dụng bảng giá mới vào ngày 22/2 với loại cà phê pha máy tùy theo số mà dao động từ 130.000 – 150.000 đồng/kg, tăng .5000 – 10.000 đồng so với trước.
Tới ngày 6/3, công ty lại thông báo điều chỉnh giá bán nguyên liệu do áp lực giá đầu vào tăng. Theo đó, giá mới mỗi loại cà phê sẽ tăng 10.000 đồng/kg so với tháng 2 và áp dụng giá bán mới từ hôm nay- tức ngày 12/3”- chị Tâm nói.
Giá nguyên liệu đầu vào cao khiến các chủ quán cà phê phải cân nhắc việc tăng giá bán lẻ. Ảnh: THU HÀ
Theo chị Tâm, đà tăng giá này của cà phê đang gây áp lực với các hàng quán. Lý do là hiện sức tiêu dùng còn chậm, các quán bán lẻ không dám tăng giá bán.
“Việc tăng giá rất nhạy cảm đối với người dùng, nhất là trong bối cảnh kinh tế phức tạp. Chính vì thế, hiện nay chúng tôi vẫn đang giữ nguyên giá bán lẻ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu giá bán lẻ cà phê nguyên liệu còn tăng nữa thì bắt buộc quán phải tăng ít nhất 2.000 đồng/ly cà phê”- chủ quán cà phê N.G bộc bạch.
Tương tự, chị An Nguyễn, chủ quán Blue Coffee (quận 11) cũng cho hay từ đầu tháng 3 quán của chị cũng nhận thông báo điều chỉnh giá bán lẻ các loại cà phê rang hạt lên 10.000 đồng/kg. Hiện chị vẫn cố gắng giữ mức giá như cũ, để ổn định khách hàng.
Doanh nghiệp sản xuất khó mua nguyên liệu
Ở góc độ doanh nghiệp sản xuất, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty Liên kết thương mại Toàn Cầu - đơn vị sở hữu thương hiệu cà phê nông sản Meet More cũng đang đau đầu với giá cà phê nhân xô hiện nay.
Ông Luận cho biết trước đây cà phê chỉ khoảng 70.000 đồng/kg nay đã đã vượt mức 90.000 đồng/kg. Điều này gây áp lực không nhỏ tới các đơn vị sản xuất như Meet More.
“Hiện chúng tôi không dám thu mua cà phê nguyên liệu mới để sản xuất. Các đơn hàng vẫn đang sử dụng nguồn nguyên liệu dự trữ từ trước. Chính vì thế, những nhà chế biến sản phẩm cà phê như Meet More còn giữ được giá bán ban đầu ở cả thị trường trong và ngoài nước” - ông Luận nói.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội cà phê- ca cao Việt Nam nhìn nhận, có nhiều nguyên nhân khiến cho giá cà phê tăng cao như chi phí cước vận tải tăng cao, ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng do xung đột quân sự....
Thêm vào đó, hiện nguồn cung trong nước giảm cũng khiến giá cà phê tăng nhanh. Về tình hình giá cả cà phê sắp tới, theo ông Hải vẫn rất khó dự đoán.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại
Theo Thu Hà/Pháp Luật TP HCM