Vụ vải chín sớm năm nay của phường Phương Nam, TP.Uông Bí được đánh giá đạt sản lượng cao, ước 3.500-4.000 tấn (cao hơn vụ vải năm 2017 từ 700-1.200 tấn). Vải chín sớm Phương Nam năm nay quả to, cùi dày, sáng màu, vị ngọt thơm và ít sâu cuống hơn những năm trước.
Năm nay quả vải Phương Nam chín sớm hơn năm 2017 gần 1 tuần; sớm hơn các vùng vải chín sớm ở tỉnh, thành khác 10-15 ngày và sớm hơn so với vải thiều Lục Ngạn, Thanh Hà đến 40 ngày.
|
Vải chín sớm Phương Nam năm nay được đánh giá là được mùa, quả to, mã đẹp. Ảnh: H.L. |
Mặc dù được mùa, quả đẹp và chín sớm hơn những nơi khác nhưng năm nay lượng thương lái về thu mua vải chín sớm Phương Nam lại giảm đi đáng kể.
Anh Đặng Mạnh Hùng, người dân khu Bạch Đằng 1, phường Phương Nam. TP.Uông Bí cho biết, mọi năm xe container, xe lạnh về thu mua vải rất nhiều nhưng năm nay vào chính vụ mà chẳng thấy xe nào. Chỉ có một vài xe chợ thôi nên không bán được. Thương lái về ít nên họ cũng rất khó tính, vải hơi xấu là loại ngay.
“Mọi năm xe container về, người ta thu mua ồ ạt lên lượng vải bán được rất nhanh. Năm nay trời nắng nhiều lại không có mưa, người dân bán không kịp nên vải bị cháy. Như đây tôi đang bán có 8.000 - 9.000 đồng/kg”, anh Hùng nói.
|
Lượng thương lái về thu mua giảm chỉ còn 1/5 so với mọi năm. Ảnh: H.L |
Vải chín sớm Phương Nam (TP Uông Bí) là thương hiệu nông sản đặc biệt của Quảng Ninh với điểm nổi bật là chín sớm hơn các vùng vải khác từ 15-40 ngày. Bởi vậy, vải chín sớm Phương Nam “một mình một chợ”, giá vải chín sớm bao giờ cũng rất cao.
|
Nhiều hộ mang vải đến muộn, thương lái không mua phải mang về. Ảnh: H.L. |
Anh Nguyễn Văn Hồng, người dân ở Tổ 1, Khu Hiệp Thanh, phường Phương Nam, TP.Uông Bí cho biết, gia đình có 170 gốc vải, năm nay được mùa nhưng lượng vải được thương lái thu mua chỉ bằng 1/3 năm ngoái. Dự kiến năm nay được khoảng 7 tấn quả nhưng đến hôm nay mới thu hoạch và bán được khoảng 3 tấn.
Năm nay phải nói là người dân rất vất vả, làm thì như... ăn trộm, bởi cứ 1, 2 giờ sáng là cả làng đã phải thắp điện lên vườn hái vải vì Tư thương chỉ thu mua trong khoảng 2 tiếng buổi sáng, từ 6 giờ đến 8 giờ.
“Vì cũng chỉ có mấy xe đến thu mua nên dân mang vải đến thì cũng không bán được nữa. Nhiều người mang vải đến muộn, thương lái còn chẳng thèm xem, chẳng thèm hỏi lại phải mang vải về. Mọi năm các lái buôn về mua từ sáng đến tối luôn nên dân thu hoạch rất nhàn. Năm nay có hợp tác xã tiêu thụ vải chín sớm Phương Nam nhưng tôi thấy chưa phát huy hiệu quả”, anh Hồng trăn trở.
|
Anh Nguyễn Văn Hồng cho biết, hợp tác xã tiêu thụ vải chín sớm Phương Nam nhưng tôi thấy chưa phát huy hiệu quả. Ảnh: Hải Long. |
Tính trong khoảng 10 năm trở lại đây, vùng vải chín sớm Phương Nam tăng thêm trên 150ha diện tích trồng và tăng gấp hơn 5 lần về sản lượng. Cụ thể từ 180ha, sản lượng đạt 250 tấn vào năm 2007 tăng lên 315ha, 1.500 tấn vào năm 2016. Và năm 2017, diện tích vải chín sớm Phương Nam đã tăng thêm 37ha, đạt 352ha, sản lượng dự đoán được mùa hơn năm ngoái, ước đạt trên 2.000 tấn quả.
Sản phẩm vải chín sớm Phương Nam đã được cấp nhãn hiệu tập thể do Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp bằng bảo hộ độc quyền năm 2013.
Đặc biệt, để hỗ trợ tiêu thụ vải, ngày 12.5.2018, phường Phương Nam (TP Uông Bí) đã tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, tiêu thụ quả vải. Tham dự có đại diện các thôn, khu, hộ dân có diện tích trồng vải lớn trên địa bàn; đại diện chính quyền các địa phương chuyên canh cây vải của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), huyện Thanh Hà (Hải Dương) và TX.Đông Triều cùng hơn 20 đơn vị, doanh nghiệp thu mua vải trong và ngoài tỉnh.
TP Uông Bí cũng đã trao giấy phép kinh doanh và làm lễ ra mắt cho HTX Dịch vụ sản xuất và Tiêu thụ vải chín sớm Phương Nam. Đơn vị này được xác định có vai trò nòng cốt trong công tác phối hợp, tiêu thụ quả vải của địa phương.
Thế nhưng theo nhiều người trồng vải ở Phương Nam, vụ vải năm nay tiêu thụ kém ngoài nguyên nhân do thời tiết thì hoạt động của HTX Dịch vụ sản xuất và Tiêu thụ vải chín sớm Phương Nam là nguyên nhân chính đang cản trở việc tiêu thụ vải. Những người trồng vải ở Phương Nam, Uông Bí đã nói gì về thực trạng này?
Theo Hải Long/Dân Việt