Giá xăng có chạm mốc 30.000 đồng/lít?

Google News

Trước tình hình giá dầu thế giới áp sát ngưỡng 140 USD/thùng, nhiều doanh nghiệp dự báo giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ tăng rất mạnh vào kỳ điều hành tới.

Giá dầu thế giới rạng sáng 7/3 bất ngờ tăng vọt và chạm mức 139 USD/thùng. Hiện, giá dầu đã tăng khoảng 60% kể từ đầu năm 2022 tới nay, làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và lạm phát sau giai đoạn đình trệ vì dịch Covid-19.

Westbeck Capital Management dự đoán sự suy giảm kéo dài đối với xuất khẩu dầu của Nga cùng với nhu cầu lao dốc có thể sẽ đẩy giá dầu lên khoảng 150-175 USD/thùng, thậm chí có thể vượt quá 200 USD - gần gấp đôi mức giá hiện tại, theo Bloomberg.

Từ đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 5 đợt tính từ mốc 25/12/2021 đến lần tăng giá gần nhất 1/3, làm cho giá xăng RON 95 tăng 3.537 đồng/lít; giá xăng E5 RON 92 tăng 3.521 đồng/lít lên mức 26.830 đồng/lít, mức cao nhất từ trước đến nay.

Có thể lên 30.000 đồng/lít, thậm chí hơn

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 3/3 tăng hơn 10% so với ngày 1/3 ở mức 130,51 USD/thùng đối với xăng RON 92, xăng RON 95 133,35 USD/thùng...

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM cho biết ngay sau ngày điều chỉnh giá 1/3, giá dầu bắt đầu biến động mạnh. Giá xăng nhập khẩu đã bao gồm chi phí vận chuyển đến ngày 7/3 ở mức 145,88 USD/thùng đối với xăng RON 95 và 142,01 đối với xăng E5 RON 92.

Gia xang co cham moc 30.000 dong/lit?

Giá dầu thô WTI và Brent vẫn tiếp tục tăng mạnh khiến mức chiết khấu tiếp tục giảm gây áp lực cho các đại lý, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Ảnh: Phạm Ngôn.

Với mức giá này, dự đoán giá bán xăng trong nước sẽ tăng khoảng 2.100-2.400 đồng/lít, tức sẽ tiến sát mốc 30.000 đồng/lít. Từ nay đến ngày 11/3, nếu giá dầu thô tiếp tục tăng thì giá xăng trong nước sẽ không dừng ở mức tăng 2.100-2.400 đồng/lít.

Tương tự, trao đổi với Zing, ông Bùi Xuân Vũ - Phó tổng giám đốc Công ty Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) - cũng thừa nhận giá dầu thô thế giới đang tăng chóng mặt, trung bình giá tăng 10 USD/thùng trong khi đó cơ quan điều hành vẫn điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày/lần.

"Chính vì vậy, kỳ điều hành giá tiếp theo vào ngày 11/3, giá xăng sẽ tăng rất mạnh, ở mức hơn 2.000 đồng/lít, còn dầu hơn 1.000 đồng/lít", ông nói.

Theo ông Vũ, sau kỳ điều hành tăng ngày 1/3, tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xăng dầu không mấy khả quan vì đang phải "gồng" lỗ 1.000-2.000 đồng/lít khi giá nhập bằng giá bán lẻ, chiết khấu thấp, thậm chí âm lại phải bù thêm nhiều chi phí vận chuyển, mặt bằng, lương nhân viên...

"Những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu theo hệ thống như SFC có đầu mối cung cấp ổn định, do đó nguồn hàng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của người dân", ông nói thêm.

DIỄN BIẾN GIÁ XĂNG TRONG THỜI GIAN QUA
Nhãn 25/9 11/10 26/10 10/11 25/11 10/12 25/12 11/1 21/1 11/2 21/2 1/3
E5 RON 92 đồng/lít 20716 21683 23110 23669 22917 22082 22550 23159 23595 24571 25530 26070
RON 95 21945 22879 24338 24996 23902 22801 23295 23876 24360 25322 26287 26830
Doanh nghiệp kiến nghị điều hành sớm

Hiện, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phía Nam cho biết không chỉ mức chiết khấu thấp mà mặt hàng này cũng gặp nhiều khó khăn vì nguồn cung. Chủ một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Sóc Trăng cho biết sau kỳ điều hành mức chiết khấu là 100-200 đồng/lít đối với xăng nhưng chỉ một ngày sau khi giá dầu thế giới tăng vọt, chiết khấu đã về mức 0 đồng.

"Chưa kể chi phí vận chuyển từ kho về, chi phí nhân công và mặt bằng, thuế VAT... khiến doanh nghiệp không thể gồng nổi", đại diện này nói và đề xuất cơ quan điều hành cần linh hoạt rút ngắn thời gian điều chỉnh giá cho phù hợp với diễn biến thị trường thế giới.

Trước đó, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết theo Nghị định 95 có hiệu lực từ ngày 2/1, liên Bộ Công Thương - Tài Chính sẽ điều hành giá xăng dầu 10 ngày lần tức ngày 1, 11, 21.

Tuy nhiên, ông cho biết trong đó có quy định với trường hợp xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của người dân, liên Bộ báo cáo Thủ tướng xem xét.

Gia xang co cham moc 30.000 dong/lit?-Hinh-2

Nhiều doanh nghiệp cho rằng cần điều hành giá sớm thay vì chờ đủ 10 ngày trong bối cảnh giá thế giới tăng rất cao. Ảnh: Chí Hùng.

"Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng đã thống nhất 2 ngày/lần, tổ công tác điều hành giá sẽ ngồi bàn họp với nhau trao đổi về việc có cần thiết phải báo cáo Chính phủ xem xét quyết định thay đổi giá sớm hơn so với quy định hay không", ông nói và khẳng định theo đúng quy định liên Bộ sẽ điều hành 10 ngày/lần.

Để kìm giá xăng dầu, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế kiến nghị Bộ Tài chính nên cân nhắc trình thêm phương án với mức giảm mạnh hơn hoặc xem xét giảm thêm thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo ông Bùi Xuân Vũ, hiện nay Bộ Tài chính kiến nghị giảm 1.000 đồng/lít đối với xăng nhưng giá dầu thế giới đang tăng rất cao. "Xăng trong nước dự báo tăng hơn 2.000 đồng/lít nhưng chỉ giảm 1.000 đồng/lít thì 'không thấm vào đâu'", ông nhìn nhận.

Trong góp ý gửi Bộ Tài chính về mức dự kiến giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng mức giảm 500 đồng/lít dầu, 1.000 đồng/lít xăng là thấp, cần giảm mạnh hơn.

Một số chuyên gia cũng cho rằng mức giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít sẽ không tác động quá nhiều tới việc giảm CPI và khó đạt được mục tiêu kìm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, giảm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Nga hiện là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai thế giới, xếp sau Mỹ. Số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết quốc gia này xuất khẩu khoảng 7,85 triệu thùng dầu/ngày, khoảng 60% số đó đến châu Âu và 20% tới Trung Quốc.

Các nước châu Âu đang phụ thuộc 40% nguồn cung dầu từ Nga, trong khi Mỹ nhập khẩu khoảng 90.000 thùng/ngày. Do vậy, bất cứ biến động ảnh hưởng đến nguồn cung cấp dầu đến có thể dẫn đến cú sốc năng lượng cho toàn thế giới.

Theo Thanh Thương/ Zing