Tính toán của doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM cho hay nếu không thay đổi mức sử dụng quỹ bình ổn và giữ nguyên thuế, phí… giá bán lẻ với xăng có thể tăng dao động 350-400 đồng/lít. Dầu hỏa và dầu diesel sẽ có mức tăng cao hơn nhưng cơ quan điều hành sẽ can thiệp bằng quỹ bình ổn.
Doanh nghiệp này cho hay giá xăng chịu áp lực tăng giá do vẫn đang chịu mức lỗ khoảng 350 đồng/lít so với giá cơ sở cộng với giá thế giới đang trên đà tăng mạnh. Các yếu tố này là phần quan trọng để cơ quan điều hành có thể điều tiết mức bán lẻ trong nước theo hướng tăng lên.
Giá xăng khoáng thành phẩm của thị trường Singapore đang được niêm yết ở mức cao hơn kỳ điều hành trước 2,5 USD/thùng (từ 65 USD/thùng lên 67,7 USD/thùng). Đà tăng này tác động không nhỏ đến giá bản lẻ trong nước và kéo giá xăng tăng kỳ thứ 5 liên tiếp trong vòng hơn 2 tháng qua.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu cho biết giá bán lẻ vẫn đang lỗ so với giá cơ sở nên chắc chắn ngày 20/9 xăng sẽ tăng giá. "Rất có thể với mặt hàng xăng thì cơ quan điều hành không sử dụng quỹ bình ổn để can thiệp nhưng với dầu thì có vì mặt hàng này tác động nhiều hơn đến kinh tế", vị này dự báo.
Ở kỳ điều hành trước giá xăng RON 92 tăng 306 đồng/lít, lên mức tối đa 17.792 đồng/lít, xăng E5 tăng 285 đồng/lít lên 17.539 đồng/lít. Dầu diesel tăng 155 đồng/lít, lên 13.950 đồng/lít; dầu hỏa tăng 149 đồng/lít lên 12.547 đồng/lít, dầu mazut tăng nhẹ 43 đồng/kg, lên 11.148 đồng/kg. Tổng cộng từ đầu năm đến nay, mỗi lít xăng đã tăng thêm khoảng 1.750 đồng.
Mức chi sử dụng quỹ bình ổn với xăng khoáng áp dụng ở 110 đồng/lít, xăng E5 90 đồng/lít. Mức chi sử dụng với dầu diesel tăng lên 90 đồng/lít và dầu hoả giữ nguyên ở 185 đồng/lít.
Theo Bình Nguyên/Zing