Giá xăng dầu hôm nay 30/5: Quay đầu đi xuống

Google News

Giá xăng dầu hôm nay (30/5) trên thị trường thế giới đảo chiều đi xuống sau phiên khởi sắc đầu tuần. Giá dầu Brent xuống mức 76 USD/thùng, giá dầu WTI về mức 72 USD/thùng.

Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 22/5 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Cụ thể, giá xăng RON 95 là 21.490 đồng/lít. Xăng E5 RON 92 có giá 20.480 đồng/lít. Giá dầu diesel lên mức 17.950 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm xuống mức 17.960 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Gia xang dau hom nay 30/5: Quay dau di xuong
 
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (30/5) đảo chiều đi xuống sau khi tăng nhẹ vào phiên trước.
Hôm qua (29/5), giá dầu thế giới tăng nhẹ vào đầu phiên nhưng lại giảm vào cuối phiên.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h55' ngày 29/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent lên mức 77,65 USD/thùng, tăng 0,7 USD, tương đương 0,91% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 73,41 USD/thùng, tăng 0,74 USD, tương đương 1,02% so với phiên liền trước.
Tuy nhiên, sau đó, giá dầu lại đảo chiều đi xuống. Vào lúc 20h10' ngày 29/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent xuống mức 76,36 USD/thùng, giảm 0,39 USD, tương đương 0,77% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 72,17 USD/thùng, giảm 0,5 USD, tương đương 0,69% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu đi lên sau khi Mỹ đạt được thỏa thuận sơ bộ về nâng trần nợ, qua đó có thể tránh được kịch bản vỡ nợ.
Gia xang dau hom nay 30/5: Quay dau di xuong-Hinh-2
Giá xăng dầu quay đầu đi xuống (Ảnh: Chí Hùng) 
Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về vấn đề trần nợ của Mỹ vào cuối ngày 27/5. Theo nội dung thỏa thuận, hai bên nhất trí đình chỉ việc áp trần nợ trong hai năm, đến ngày 1/1/2025. Nhưng để thỏa thuận này có hiệu lực cần sự thông qua của cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ trước ngày 5/6.
Việc thỏa thuận trần nợ của Mỹ về nguyên tắc đạt được sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng đã tác động mạnh đến thị trường, hỗ trợ giá dầu đi lên ngay ở phiên giao dịch đầu tuần này.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trở nên khả quan hơn khi Mỹ bước vào mùa du lịch cao điểm hè cũng giúp giá dầu hồi phục.
Hơn nữa, việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cắt giảm sản lượng tự nguyện từ tháng này cũng góp phần hỗ trợ cho giá dầu.
Ngoài ra, giá dầu leo dốc còn do cảnh báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về tình trạng thiếu dầu sắp xảy ra trong nửa cuối năm nay. IEA nhận định nhu cầu dầu sẽ vượt cung gần 2 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, những lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 6 tới đây tăng lên sau khi lạm phát tăng nhanh hơn dự đoán trong tháng 4 đã hạn chế đà tăng của giá dầu.
Cùng với đó, sự mạnh lên của đồng USD cũng khiến giá dầu đi xuống.
Thị trường đang hướng về cuộc họp chính sách của OPEC+ diễn ra vào ngày 4/6 tới, nhất là sau khi Saudi Arabia và Nga đưa ra những tuyên bố trái ngược nhau về khả năng thay đổi chính sách nguồn cung của nhóm. Nếu tiếp tục thực hiện cắt giảm, Saudi Arabia sẽ là nước phải thực hiện giảm phần lớn sản lượng dầu mỏ.
Tuần trước, cả hai mặt hàng dầu chuẩn đã đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp sau chuỗi 4 tuần giảm.
Theo Hạnh Nguyên/Vietnamnet