Chiều 13/6, giá xăng trong nước đã xô đổ mọi kỷ lục khi chính thức vượt mốc 32.000 đồng/lít. Đây là đợt tăng thứ 6 liên tiếp và là đợt tăng thứ 12 của mặt hàng này trong nửa đầu năm 2022.
Giá xăng tăng kéo theo đà tăng giá của mọi khoản chi phí sinh hoạt, hàng hóa thiết yếu buộc nhiều người phải tính đến các phương án để cân đối tài chính.
Bà nội trợ thắt chặt chi tiêu
Giá xăng tăng kéo theo nhiều mặt hàng thiết yếu "đội giá" tác động lớn đến chi phí sinh hoạt của người dân. Rất nhiều chị em nội trợ "đau đầu" với bài toán chi tiêu hàng ngày cho gia đình.
|
Giá cả leo thang khiến bà nội trợ phải thắt chặt chi tiêu. Ảnh: TTXVN |
Chị Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, mấy tháng trước, rau mùng tơi giá chỉ khoảng 7.000 đồng/mớ nay đã lên 10.000 đồng/mớ, rau cải trước 15.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên 25.000 đồng/kg; dầu ăn, trứng, thịt, cá, gia cầm...cũng tăng một ít.
Tiền ăn cả cả nhà bị đội lên khá nhiều nên chị Hoa phải cắt bớt một số khoản chi tiêu của hai vợ chồng, số còn lại dành tiền để nuôi con.
Nhà chị cũng Hoa cũng hạn chế ra ngoài ăn sáng. Thay vào đó, chị Hoa nấu đồ ăn tại nhà.
Tương tự, bạn Thu (Hoàng Mai, Hà Nội) dù ở một mình nhưng cũng phải lêm kế hoạch cắt giảm chi tiêu vì giá xăng tăng cao. Theo đó, Thu chuyển sang đi làm bằng xe buýt để giảm tiền xăng hàng tháng.
Thu cho biết: "Đi xe buýt mất nhiều thời gian hơn nhưng bù lại tiết kiệm được 500.000 - 600.000 đồng chi phí xăng xe. Ngoài ra, tôi cũng hạn chế mua sắm những thứ không cần thiết nữa".
Shipper gặp khó
Là shipper giao hàng nhiều năm nay, chị Loan (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lo lắng khi liên tục nghe tin giá xăng tăng. Dù giá xăng tăng nhưng phí giao hàng vẫn không thay đổi khiến thu nhập của chị bị giảm đáng kể.
|
Giá xăng tăng kỷ lục khiến shipper gặp khó. Ảnh: Zing |
Chị Loan chia sẻ: "Bình thường, tôi chỉ cần đổ khoảng 50.000 đồng tiền xăng nhưng nay phải đổ khoảng 70.000 - 80.000 đồng mới đầy bình xăng". Trước đây, thu nhập mỗi ngày của chị Loan khoảng 250.000 đồng thì nay chỉ còn hơn 200.000 đồng chút xíu.
Để ổn định thu nhập, chị Loan buộc phải nhận thêm nhiều đơn hàng, làm nhiều hơn khoảng 2 tiếng so với trước.
Sinh viên cũng "thắt lưng buộc bụng"
Giá xăng tăng kỷ lục cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sinh viên xa nhà, phải thuê trọ.
Bình Giang (20 tuổi, sinh viên một trường đại học ở Hà Nội cho biết: "Hàng tháng tiền bố mẹ cho chi tiêu không thay đổi nên mỗi lần đi chợ em chỉ mua đủ ăn. Em cũng hạn chế đi chơi, tụ tập ăn uống với bạn bè. Thậm chí, em cũng ít về quê hơn vì giá xe khách cũng tăng hơn trước. Đi lại nhiều cũng khá tốn kém".
Theo một số chuyên gia thương mại, việc giá xăng tăng liên tục cộng với giá nguyên vật liệu lên cao càng khiến đời sống của người lao động thêm khó khăn. Vì thế, nhiều người sẽ hạn chế mua sắm.
Video: Giá xăng tăng liên tiếp. Nguồn: VTV1
Hoàng Minh