Giật mình đa cấp bùng nổ năm 2017: Ai chịu trách nhiệm?

Google News

(Kiến Thức) - Năm 2017, nạn kinh doanh đa cấp tiếp tục bùng phát. Nhưng chỉ đến khi hình thành mạng lưới rộng khắp, gây thiệt hại lớn, các công ty đa cấp mới bị phanh phui.

Hơn 360.000 người tham gia đa cấp điêu đứng
Theo số liệu báo cáo của 35 doanh nghiệp, tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp trong 6 tháng đầu năm 2017 là 361.592 người, giảm 276.045 người (43%) so với cuối năm 2016. Trong đó, tổng doanh thu bán đạt khoảng 3.067 tỷ đồng, tương đương 39% doanh thu toàn ngành năm 2016.
Doanh thu bán hàng đa cấp chủ yếu đến từ thực phẩm chức năng (72%) và mỹ phẩm (25%), từ đồ gia dụng, quần áo thời trang, thiết bị và mặt hàng khác chiếm 3%.
Tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác mà các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 986 tỷ đồng, chiếm khoảng 32% tổng doanh thu toàn ngành (doanh thu chưa bao gồm VAT). Tổng số thuế đã nộp về ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm ước đạt 386 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, tính tới hết tháng 9/2017, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp tiếp tục giảm thêm 4 doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp còn lại 36 doanh nghiệp, giảm 46% so với cuối năm 2015 (trong đó có 1 doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động).
Căn cứ theo số liệu báo cáo này cho thấy, số người tham gia vào đa cấp, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp và số lượng doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đã giảm đáng kể.
Tuy nhiên, nạn kinh doanh đa cấp vẫn bùng nổ và nhiều dấu hiệu tiêu cực trong năm 2017. Cơ quan công an cũng khởi tố bị can và bắt tạm giam nhiều đối tượng để điều tra tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 
Hàng loạt vụ đa cấp bị phanh phui
Cụ thể, mới đây nhất là trường hợp công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy (địa chỉ trụ sở chính tại A6/D11-A7/D11 đường Đồng Bông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) - một trong những công ty đa cấp nổi tiếng nhất.
 Thiên Ngọc Minh Uy dừng hoạt động. Ảnh: VNN. 
Mời quý độc giả xem video "Hoài nghi Thiên Ngọc Minh Uy giả chết, "mượn xác hoàn hồn". Nguồn: An Ninh Thế Giới.
Theo báo cáo của các Sở Công Thương Cty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy cùng các đại lý và người tham gia bán hàng đa cấp của mình đã thực hiện 80 lượt vi phạm đối với 13 hành vi quy định tại Nghị định 42 và pháp luật có liên quan tại 34 tỉnh, thành phố, bị xử phạt tổng cộng hơn 1,5 tỷ đồng.
Ngày 25/4/2017, Bộ Công Thương chính thức thông báo về việc tiến hành quy trình chấm dứt hoạt động của Cty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy (đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy) trên toàn quốc. Kết quả điều tra ban đầu của cơ quan chức năng cho thấy có nhiều dấu hiệu lừa đảo của các cơ sở kinh doanh đa cấp thuộc Thiên Ngọc Minh Uy.
Tương tự, bằng thủ đoạn trả hoa hồng cao ngất ngưởng, làm giả bằng khen để tạo lòng tin... chỉ trong vòng gần 1 năm (từ tháng 3/2014 – 11/2015), Công ty Cổ phần liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Cty Liên Kết Việt ) đã “vươn vòi bạch tuộc” tới 27 tỉnh, lôi kéo 66.880 người tham gia ký hợp đồng với tổng số tiền gần 2,1 nghìn tỷ đồng.
Trước đó, với các chiêu trò thổi phồng thu nhập và thưởng lên đến hàng tỷ đồng trong một thời gian ngắn, Công ty TNHH nhượng quyền Thương mại Thăng Long, có trụ sở chính tại Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính (Cầu Giấy, Hà Nội) đã từng mở 21 đại lý trên toàn quốc với hàng vạn người tham gia vào mạng lưới. Lợi dụng việc kinh doanh đa cấp, công ty đã thu của người tham gia khoảng 700 tỷ đồng nhưng không có khả năng hoàn trả.
 Văn phòng trụ sở chính của Thăng Long Group. Ảnh: KTĐT
Khi dư luận chưa kịp lăng xuống thì với chiêu trò huy động vốn trái phép, trả tiền lãi cao cùng các ưu đãi hàng tháng nhằm ràng buộc những người góp vốn, để họ lôi kéo thêm người tham gia... từ tháng 7/ 2015 - 2/2016, với hai công ty gồm Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Phúc Gia Bảo 68 (Công ty 68) có trụ sở tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư Phúc Gia Bảo 868 (công ty 868), Nguyễn Thế Anh (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cùng đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 328 tỉ đồng của các nhà đầu tư. 
Ngoài những công ty nêu trên còn rất nhiều công ty đa cấp khác phải chấm dứt hoạt động như: Zogo, Zija Quốc tế, My Fortuna... hay bị xử phạt trong năm 2017 như: Công ty cổ phần Queenet Quốc tế, Công ty TNHH World Việt Nam...
Mặc dù nhiều công ty kinh doanh đa cấp đã phải dừng hoạt động song dư luận vẫn đặt câu hỏi: Vì sao các công ty đa cấp này hoạt động suốt một thời gian dài mà không bị xử lý? Chỉ đến khi hình thành mạng lưới rộng khắp, thiệt hại lớn, vụ việc mới bị phanh phui, khiến không ít khách hàng lao đao. Vậy trách nhiệm của sự phát hiện chậm trễ này thuộc về ai? Những kẽ hở nào tồn tại khiến nhiều công ty đa cấp dễ biến tướng thành lừa đảo?
Hồng Liên