Như Lao Động đã thông tin, vụ xuân 2017, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 10ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông, trong đó giống Thiên ưu 8 nhiễm gần 9.000 ha.
Theo hồ sơ công bố hợp pháp, giống Thiên ưu 8 chỉ có khả năng kháng đạo ôn ở mức trung bình 26. Tuy nhiên, khi đưa vào Hà Tĩnh vụ xuân 2017, trên bao bì đựng giống loại 1kg, Công ty CP Giống cây trồng TW đã ghi là: “đặc biệt kháng bệnh đạo ôn”.
|
Thiên ưu 8 được quảng cáo là giống lúa thuần, chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt kháng bệnh đạo ôn, tuy nhiên thực tế khảo nghiệm cho thấy kháng bệnh này rất yếu. |
Báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh nhận định: "Đây là hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về kinh doanh giống nhưng không bị các cơ quan có chức năng quản lý về kinh doanh giống cây trồng phát hiện và xử lý, là một thiếu sót có thể gây ra tâm lý chủ quan cho người dân trong phòng trừ dịch bệnh".
Mức phạt 25 triệu cho hành vi "quảng cáo láo" của Công ty Giống cây trồng Trung ương bị dư luận trong tỉnh đánh giá chỉ là "gãi ngứa", "không tương xứng với hậu quả". PV báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục trồng trọt với tư cách là Cơ quan quản lý giống của Bộ NN&PTNT.
|
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục trồng trọt. Ảnh: Đại biểu nhân dân. |
Ngày 17.7 vừa qua lãnh đạo Hà Tĩnh bày tỏ bức xúc trước mức xử phạt 25 triệu đồng của Bộ NN&PTNT với công ty giống cây trồng Trung ương. Ông chia sẻ như thế nào đến vấn đề này?
- Khi nhận được tin dịch đạo ôn xảy ra ở Hà Tĩnh, Cục đã cử nhiều đoàn cán bộ đến địa phương.
Đồng thời, ngày 3.7.2017, khi thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh giống lúa của Công ty giống cây trồng Trung ương, Đoàn thanh tra của Cục đã phát hiện vi phạm của công ty trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa, đoàn thanh tra tiến hành lập biên bản về những sai phạm của công ty.
Việc xử phạt 25 triệu đồng Cục đưa ra là mức xử lý vi phạm áp dụng đối với hành vi ghi sai nội dung trên nhãn mác, bao bì của giống Thiên ưu 8 được quy định tại khoản 3, Điều 26 của Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19.7.2013 về “Vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa”.
Mức xử trên là mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm ghi sai nội dung nhãn mác theo quy định.
Hà Tĩnh nhận định: Thiên ưu 8 vi phạm quy định về kinh doanh giống nhưng không bị Cục trồng trọt phát hiện xử lý, tạo ra tâm lý chủ quan cho người dân trong phòng trừ dịch bệnh. Ông chia sẻ như thế nào về nhận định này?
- Giống Thiên ưu 8 đã được Cục khảo nghiệm, đánh giá đầy đủ theo đúng quy trình, báo cáo khảo nghiệm cũng khẳng định giống chỉ kháng vừa với bệnh đạo ôn.
Mặc dù đã có sự cố dịch đạo ôn xảy ra với giống Thiên ưu 8 tại Hà Tĩnh trong vụ xuân 2017 nhưng trong vụ hè thu và vụ mùa 2017 vẫn có 19/31 tỉnh đưa giống Thiên ưu 8 vào cơ cấu giống sản (chiếm 61,3%).
Thực tế cho thấy, hiện nay không có giống cây trồng nào kháng được tuyệt đối với tất cả các đối tượng sâu, bệnh hại, vì vậy bên cạnh khả năng chống chịu của giống, việc cơ quan chuyên môn các địa phương chủ động điều tra, phát hiện và phòng trừ kịp thời trên đồng ruộng đang là giải pháp tích cực để hạn chế thiệt hại.
Là cơ quan quản lý giống, theo ông cần có động thái nào để rút kinh nghiệm cho các vụ mùa sau?
- Theo tôi, cần bổ sung quy định đánh giá chặt chẽ hơn các tình trạng chống chịu sâu bệnh khi công nhận lưu hành đối với các giống thuộc loài cây trồng chính trong đó có cây lúa.
Trong dự thảo Luật Trồng trọt lần này đã bổ sung quy định bắt buộc đánh giá mức độ chống chịu đối với sâu, bệnh trong điều kiện cách ly và lây nhiễm nhân tạo cũng như khảo nghiệm trên đồng ruộng; Ban hành các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng đối với chỉ tiêu kháng sâu, bệnh khi công nhận lưu hành giống cây trồng.
Xin cảm ơn ông!
Làm một phép tính, theo mức trung bình giá lúa Thiên ưu 8 bán trên thị trường là 6.000đ/kg thì vụ xuân năm 2017, nông dân Hà Tĩnh đã thiệt hại đến hơn 600 tỉ đồng.
Theo Phan Anh/Lao Động