Habeco (BHN) đạt lợi nhuận "khủng" năm 2022

Google News

Năm 2022, Habeco ghi nhận gần 527 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 63% so với năm 2021, tổng tài sản đạt 7.256,2 tỷ đồng.

Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco; , HoSE: BHN) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4 và cả năm 2022, với tổng lợi nhuận sau thuế khủng.
Theo đó, quý 4/2022, Habeco ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 2.468 tỷ đồng tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021. Giá vốn hàng bán đạt 1.845 tỷ đồng, tăng gần 20%. Doanh thu hoạt động tài chính tăng 68% lên hơn 57 tỷ đồng, còn chi phí hoạt động tài chính giảm 25% xuống gần 2,1 tỷ đồng.
Trừ các loại chi phí, quý này, Habeco ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt gần 52 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ lãi gần 1,4 tỷ đồng.
Habeco (BHN) dat loi nhuan
 Các sản phẩm của Habeco. (Ảnh minh họa).
Lũy kế cả năm, doanh thu thuần của Habeco đạt 8.398 tỷ đồng, tăng gần 21% so với kết quả của năm 2021. Giá vốn hàng bán đạt 6.092 tỷ đồng, tăng 16%. Doanh thu hoạt động tài chính đạt 145 tỷ đồng, tăng 17%, chi phí hoạt động tài chính ghi nhận mức giảm 28% xuống còn gần 10,5 tỷ đồng.
Tính đến hết năm 2022, lợi nhuận sau thuế của Habeco đạt gần 527 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, Habeco đặt mục tiêu doanh thu đạt 6.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 221 tỷ đồng. Như vậy, Habeco đã hoàn thành vượt 27% mục tiêu doanh thu và vượt 138% kế hoạch lợi nhuận.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Habeco đạt 7.256,2 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,3% so với thời điểm đầu năm, chủ yếu do khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và hàng tồn kho tăng.
Cụ thể, đầu tư tài chính ngắn hạn trong năm 2022 đã tăng hơn 21%, lên 2.964,4 tỷ đồng (chiếm gần 41% tổng tài sản), chủ yếu là các khoản tiền gửi có kỳ hạn gốc trên 3 tháng đến 12 tháng. Hàng tồn kho của công ty cũng tăng 30% lên 722,6 tỷ đồng (chiếm 10% tổng tài sản).
Đối với nguồn vốn, nợ phải trả của Habeco giảm 14%, xuống còn 1.927,1 tỷ đồng (chiếm 26,5% tổng nguồn vốn), chủ yếu do phải trả ngắn hạn khác, và khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm.
Vốn chủ sở hữu đã tăng thêm 10,2% lên 5.329 tỷ đồng, chủ yếu do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng gấp 2,4 lần so với năm 2021.
Khánh Hoài (T/H)