Ốc giác vàng, còn có tên gọi khác là ốc Hoàng Đế, một loài ốc trong họ Volutidae. Đây là loài ốc kích thước lớn và có giá trị kinh tế cao, có thể khai thác để lấy thịt, đặc biệt một số cá thể còn có thể lấy ngọc. Chúng thường sống theo các vùng đá rạn chìm khuất dưới mặt nước hoặc các vách đá, hang hốc ngập nước quanh chân các hòn đảo.
Ốc giác vàng có kích thước trung bình từ 1-5 kg/con
Loài ốc "khủng" này có nhiều ở vùng biển các quốc gia châu Á như Hong Kong, Campuchia, Thái Lan, Philippines, Indonesia... Ở Việt Nam, ốc giác vàng có nhiều tên gọi khác nhau, ở miền Trung chúng còn được gọi là ốc gàu, ốc gáo (dùng vỏ ốc làm dụng cụ múc nước), ở miền Tây trong vùng vàm Láng, Gò Công dài đến tận Hà Tiên, Kiên Giang người ta gọi ốc giá. Có nơi gọi ốc theo sắc vỏ ngoài là ốc vàng, ốc choá đèn.
Theo tìm hiểu, 1 con ốc giác vàng có kích thước trung bình từ 1,5-3 kg, có những con nặng tới 7-8kg, vỏ mỏng và có nhiều thịt. Nếu như trước đây, ốc giác vàng chỉ khai thác đủ để cung cấp cho các nhà hàng hải sản thì khoảng 2 năm trở lại đây, chúng được rao bán trên chợ mạng với giá từ 250.000-300.000 đồng/kg.
Ốc giác vàng vỏ mỏng và có nhiều thịt
Mới đây, một con ốc giác vàng nặng 6kg được khai thác ở vùng biển Nha Trang
Chị Hường Cao (ở Nha Trang) rao bán ốc giác vàng trên chợ mạng với giá 270.000 đồng/kg. Chị Hường cho biết loại ốc này khá quen thuộc với người dân ở miền biển nhưng nó còn mới lạ với khách hàng các tỉnh, không phải ai cũng đã được thưởng thức nó.
"Ốc giác vàng trước đây chỉ đủ để cung cấp cho các nhà hàng, thương lái mua tại thuyền, không có nhiều để bán đại trà. Gần đây, số lượng ốc giác khai thác được nhiều hơn nên mới có để bán ra ngoài. Trước ốc giác hiếm nên giá đắt hơn so với bây giờ", chị Hường chia sẻ.
Chị Hường rao bán ốc giác vàng trên chợ mạng và có khá nhiều khách đặt mua
Chị Hường cho biết thêm, ốc giác mà chị bán có kích thước trung bình khoảng 1,5-2 kg/con, thịt ốc rất giòn và ngon, có thể chế biến thành nhiều món hấp dẫn như luộc, nướng, làm gỏi, nấu cháo... Thịt ốc giác được chia làm 2 phần, cùi và ruột đều ăn được. Phần cùi ốc có màu trắng trong, cứng và giòn như mề gà, ăn sần sật, phần ruột ốc màu nâu nhạt, mềm và vị béo bùi gọi là gạch hay gan.
Cũng là người rao bán ốc giác trên chợ mạng, anh Tiến (ở Phan Thiết) tiết lộ để biết ốc giác có con tươi hay không, mọi người quan sát chất nhờn trên bề mặt ốc. Ốc giác thịt còn tươi thì cơ thể tiết chất nhờn, còn khi mặt ốc khô ráo, không tiết ra chất nhờn thì có thể con ốc đó đã đánh bắt lâu ngày, thịt dai, có mùi hơi khó chịu.
Ốc giác vàng có thể chế biến thành nhiều món hấp dẫn
Anh Tiến cho biết sau khi đánh bắt, ốc giác vàng có thể sống hàng tuần trong nước mặn. Vào mùa mưa, việc khai thác ốc giác vàng sẽ dễ dàng hơn và sản lượng cao hơn. "Khi chế biến ốc giác, khâu khó nhất là tách ốc khỏi vỏ, phải làm nhẹ tay để nó không bị vỡ túi mật, ăn sẽ nhân nhẫn và tanh, mất ngon. Ngoài nhập cho các nhà hàng, tôi còn bán trên mạng và được nhiều người đặt mua vì giá rẻ và lạ miệng. Trước đây ốc giác vừa khó mua vừa đắt hơn nhiều".
Cuối tuần vừa qua, chị Hoàng Hà (ở quận 7, TP.HCM) đặt 1 con ốc giác vàng để làm các món trong dịp sinh nhật con trai. Chị Hà chia sẻ năm ngoái chị được ăn ốc giác xào 1 lần ở Nha Trang, rất giòn và ngon. "Đợt vừa rồi thấy có người bán trên chợ mạng, tôi nhăm nhe đặt ngay 1 con rồi lên mạng tìm công thức chế biến. Tôi làm ốc giác xào me và gỏi, 1 con hơn 2kg làm được 2 món cho gia đình 6-7 người ăn, lạ miệng mà ai cũng khen nức nở", chị Hà cho hay.
Theo Chi Nguyễn / Dân Việt