Bên cạnh đó, các hangar bảo dưỡng tàu bay tại Tân Sơn Nhất của Công ty cổ phần Kỹ thuật hàng không Ngôi Sao Việt (cùng tập đoàn với hàng không Vietstar) có thể cho phép cả 5 tàu bay này đậu qua đêm trong hangar vào những thời điểm sân bay thiếu vị trí đỗ tàu bay qua đêm để nhường sân đỗ tàu bay cho các hãng hàng không khác.
Đối với nhà ga hành khách, theo các quy định phê duyệt lịch bay hiện hành, Cục Hàng không Việt Nam chỉ phê duyệt lịch bay cho các hãng hàng không (bao gồm cả hàng không Vietstar) vào các khung giờ mà Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cung cấp được quầy thủ tục, phòng chờ, cửa ra tàu bay, sân đỗ tàu bay trong các giới hạn công suất của cảng hàng không được công bố một cách chặt chẽ và hợp lý.
Hãng hàng không này cũng viện dẫn văn bản của Cục Hàng không Việt Nam xác nhận, Công ty Vietstar đã điều chỉnh kế hoạch khai thác và phương án đảm bảo tàu bay khai thác phù hợp với nhu cầu thị trường và khả năng đáp ứng của hạ tầng cảng hàng không Việt Nam.
“Với cơ sở hiện có của Vietstar Aviation (2 hangar tại Tân Sơn Nhất có thể chứa được 5 tàu bay chủng loại tàu bay A320/321 và B737), kế hoạch khai thác 5 tàu bay của Công ty Vietstar với 5 tàu bay đỗ qua đêm tại Tân Sơn Nhất là khả thi,” ông Phạm Trịnh Phương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Vietstar khẳng định.
Giai đoạn từ năm 2018-2021, theo ông Phương, Vietstar có kế hoạch khai thác 10 tàu bay, trong đó 5 tàu bay sẽ được đỗ qua đêm tại Cảng hàng không Đà Nẵng và 5 tàu bay tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất là phù hợp với kế hoạch phát triển về cơ sở hạ tầng của hai cảng này.
Mặc dù thị trường vận tải hàng không Việt Nam tăng trưởng mạnh trong khoảng 5 năm gần đây (từ khi có sự tham gia của hãng hàng không tư nhân Vietjet Air), nhưng người đứng đầu Vietstar đánh giá, mức độ công cộng hóa vận tải hàng không (số lượng hành khách hàng không nội địa so với dân số) của Việt Nam mới bằng một nửa so với Thái Lan.
“Số lượng hãng hàng không thương mại ở Việt Nam mới chỉ có các hãng Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air, VASCO trong khi Thái Lan đã có tới 8 hãng hàng không thương mại. Hãng hàng không Vietstar cam kết triển khai đúng kế hoạch, lộ trình đề ra và chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật, chủ trương của Chính phủ về phát triển hàng không,” ông Phương cho hay.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, hiện tại 4 hãng hàng không Việt Nam ở trên đang cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách, vận chuyển hàng hóa kết hợp trên các chuyến bay chở khách, chưa có hãng hàng không nào của Việt Nam khai thác thị trường hàng hóa quốc tế, nội địa bằng tàu bay chuyên dụng.
“Do vậy, việc có một doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dùng là cần thiết, phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,” lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh.
Theo đó, Vietstar đưa ra mục tiêu phát triển và kế hoạch giai đoạn hoạt động 5 năm đầu với thị trường là trục nội địa Bắc-Nam và khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, định hướng xây dựng là hãng hàng không vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam.
Trước đó, vào ngày 7/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ, việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án vận tải hàng không và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Air sẽ được xem xét sau khi đã hoàn thành xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng phương án điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến các Bộ, ngành để hoàn thiện phương án điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ngay cả khi phương án điều chỉnh được phê duyệt trong quý 2/2017, nhanh nhất cũng phải cuối năm 2018, nửa đầu 2019 việc xây nhà ga hàng không mới T4 cũng như nâng cấp khu bay tại đây mới hoàn thiện./.