Hàng không Việt Nam dính “phốt” gì gây nóng dư luận 2016?

Google News

(Kiến Thức) - Tình trạng chiếu laser vào máy bay mỗi khi cất, hạ cánh có lẽ là scandal nóng nhất ngành hàng không Việt Nam năm 2016. Cùng điểm lại những sự cố gây xôn xao dư luận này.

Mới đây nhất, vào đêm 16/12/2016, chuyến bay mang số hiệu VN266 của Vietnam Airlines từ TP HCM đi Hà Nội khi chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Nội Bài thì phi công bất ngờ thấy một nguồn sáng mạnh từ dưới đất lên trời và cắt ngang qua buồng lái. Khi đó, máy bay đang ở cách sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 10 km, hướng Việt Trì - tỉnh Phú Thọ.
Sau khi hạ cánh, tổ lái VN266 đã báo cáo lên Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia và Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố Hà Nội để đơn vị có trách nhiệm thực hiện rà soát, làm rõ nguồn sáng phát ra gây cản trở hoạt động tác nghiệp của phi công và uy hiếp an toàn bay. Trong báo cáo, tổ lái cho rằng đó không phải tia laser mà là tia sáng mạnh của đèn công suất lớn được chiếu từ dưới đất lên trời.
 Trường hợp bị chiếu laser vào buồng lái, cơ quan không lưu phải áp dụng quy trình xử lý như trong tình trạng khẩn nguy trên không. Ảnh minh họa: Airbus
Tình trạng chiếu laser vào máy bay khi cất, hạ cánh rộ lên vào năm 2016 vừa qua, nhiều nhất ở sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất và một số sân bay miền Trung. Việc chiếu tia laser vào buồng lái máy bay được cho là gây chói mắt, hạn chế tầm nhìn và có nguy cơ uy hiếp an toàn bay.
Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, trong năm 2016, đã xảy ra nhiều vụ chiếu tia laser gây uy hiếp đến an toàn của chuyến bay, đặc biệt trong giai đoạn máy bay cất, hạ cánh. Các vụ chiếu đèn laser thường xảy ở các sân bay lớn như: Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Thời điểm xảy ra tình trạng máy bay bị chiếu đèn laser từ khoảng 19 giờ 30 phút đến đêm khuya.
Có thể liệt kê một số vụ như, vào tối 2/6 khi đang thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện, Trung đoàn 921 phát hiện có đèn chiếu tia laser tại xã Mai Đình, phía tây nam Cảng Hàng không Nội Bài. Cảng Hàng không đã phối hợp đơn vị liên quan kiểm tra, nhưng không tìm ra người sử dụng. Ngoài ra vào ngày 11/6, chuyến bay VN7168 của Vietnam Airlines hành trình từ đông sang tây, chuẩn bị hạ cánh thì phi công phát hiện có đèn chiếu tia laser hướng 280 độ phía tây, cách Nội Bài khoảng 40 km.
Tình trạng tương tự xảy ra tối 12/6, tổ bay VN 1554 của Vietnam Airlines (chặng Cam Ranh - Hà Nội) đang chuẩn bị hạ cánh thì phát hiện tại vị trí khoảng 5-6 km cách đầu đường cất hạ cánh có hiện tượng đèn laser màu xanh chiếu lên buồng lái. Hai ngày sau, tối 14/6, tổ bay VJ174 của VietJet (chặng TP HCM - Hà Nội) phát hiện đèn laser màu xanh chiếu vào máy bay vị trí hướng 265 độ, cách Đài chỉ huy không lưu Nội Bài khoảng 27 km về phía Tây.
Bên cạnh những vụ chiếu đèn laser vào máy báy tại sân bay Nội Bài, một số phi công tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng phản ánh khi đang giảm độ cao để hạ cánh xuống thì bị đèn laser chiếu thẳng vào buồng lái gây nguy hiểm cho việc hạ cánh. Từ đầu năm 2016 đến nay, ở sân bay Tân Sơn Nhất ghi nhận 12 trường hợp máy bay bị chiếu tia laser. Cụ thể, các vụ chiếu đèn laser thường xảy ở các quận quanh sân bay như: Thủ Đức, Bình Thạnh, Tân Phú, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp.
Ngoài ra, tại khu vực TP HCM một số phi công nước ngoài cũng phản ánh khi tàu bay hạ thấp độ cao khoảng 4.500 feet (khoảng 1.300m) tiếp cận đường hạ cánh thì phát hiện đèn laser chiếu vào buồng lái cách sân bay từ 20-25 dặm (khoảng 40-45 km). Khu vực chiếu đèn này có thể ở Bình Dương, Đồng Nai (Biên Hòa, Trảng Bom).
Với hành vi chiếu tia laser vào máy bay, pháp luật Việt Nam hiện quy định phạt hành chính từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng hành vi này thực sự nguy hiểm cần có biện pháp răn đe, phòng ngừa.
Cục kiến nghị cơ quan thẩm quyền bổ sung hành vi chiếu đèn laser tàu bay vào thông tư liên tịch hướng dẫn Bộ luật hình sự, xem đây là hành vi cản trở giao thông đường không.
Với kiến nghị này, người chiếu tia laser vào máy bay gây chết người hoặc tổn thương sức khỏe phi công có thể bị phạt tiền 30 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Dẫn chiếu tài liệu của Cục Hàng không liên bang Mỹ, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, tia laser có thể gây ra hậu quả nguy hiểm với phi công như mất tập trung, chói lóa, mù lòa và giảm thị lực vĩnh viễn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc điều khiển máy bay.
Trường hợp bị chiếu laser vào buồng lái, cơ quan không lưu phải áp dụng quy trình xử lý như trong tình trạng khẩn nguy trên không, cho đến khi tổ lái báo chấm dứt tình trạng khẩn nguy.
Tuấn Nguyễn (tổng hợp)