Ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, hàng hóa ách tắc không xuất khẩu được và dưa hấu khắp nơi ế ẩm, nông dân không có đầu ra, Lê Duy Toàn (32 tuổi, ở Củ Chi, TP.HCM), đặt quyết tâm phải làm một điều gì đó cho bà con. Lúc đầu, Toàn mua dưa hấu tặng cho nhân viên nhưng đây chỉ là giải pháp ngắn hạn.
“Thế mạnh của Việt Nam là gạo, chất lượng nông sản của chúng ta rất tốt. Tại sao không kết hợp lại để vừa giúp bà con nông dân, vừa làm độc đáo và mới lạ cho sản phẩm truyền thống”, Toàn đặt câu hỏi.
Toàn chia sẻ, trước giờ ai cũng thấy bún, bánh tráng, phở làm từ gạo có màu trắng. Trong khi đó, nông sản Việt đa dạng mà lại ngon, sao lại không kết hợp để có những sản phẩm hấp dẫn, mang lại nhiều giá trị.
Lần đầu thử nghiệm, thành phẩm không như mong đợi, sợi bún cứng, màu luộc bị nhạt, ăn không ngon. Thế là đổi công thức nhưng lại chưa điều chỉnh sợi bún nên thành phẩm vẫn bị cứng; khi điều chỉnh tỷ lệ vừa thì nhiệt độ sấy chưa đủ, sợi bún lại không đẹp...
Không chỉ dưa hấu, Toàn đã hoàn thiện bánh tráng thanh long. Lúc đầu, Toàn chọn thanh long trắng để làm bánh tráng nhưng sản xuất ra thì thành phẩm vị không ngon. Do đó, Toàn quyết định sử dụng thanh long đỏ vì màu bánh tráng rất đẹp và có vị ngọt của quả.Sau 1 tuần nghiên cứu, nhiều lần thử nghiệm các công thức khác nhau thì cuối cùng, Toàn đã ra mắt những sản phẩm độc đáo. Hiện tại, với dưa hấu, anh Toàn có thể làm được bún, phở và bánh tráng.
Nhưng đặc biệt hơn, bánh tráng, bún và phở khi làm từ dưa hấu lại cho ra thành phẩm màu cam, theo lý giải của Toàn, là do tác dụng của nhiệt khi gia công khiến màu sắc của dưa hấu bị biến đổi, nhưng vẫn giữ được hương vị và chất lượng.
Trước bánh tráng, bún, phở từ dưa hấu, thanh long thì anh đã nghiên cứu kết hợp nhiều nông sản khác và đến giờ đã có 48 sản phẩm khác nhau, như bánh tráng gạo lứt, gạo đen, nghệ, trà xanh,... Mì thì có mì mè đen, cải bó xôi, cà rốt, củ dền, hoa đậu biếc.
Ngoài ra còn có những loại như bún gạo, bún tươi khô, bún bò Huế, bánh hỏi, mì Quảng, bánh ướt khô,... có cả bánh tráng mặt nạ từ bột mì dành riêng cho thị trường làm đẹp Hàn Quốc.
|
Các sản phẩm từ gạo và trái cây |
“Tôi muốn thế giới phải biết đến bún dưa hấu, bánh tráng thanh long làm tại Việt Nam”, Lê Duy Toàn nói. Toàn cho biết, muốn đóng góp một phần công sức để gia tăng giá trị cho nông sản Việt, từ đó giúp giải phóng hàng cho bà con nông dân. Đó là nhờ có thị trường, có đầu ra và cả kinh nghiệm sản xuất. Toàn cũng muốn thử sức mình trong việc đa dạng hóa sản phẩm.
Từ thành công trên, Toàn tham vọng: “Tôi đã thiết lập con đường dài hạn và bền vững hơn. Đó là đưa bún dưa hấu trở thành sản phẩm chủ chốt để đẩy mạnh xuất khẩu. Một khi đã tính đến điều này có nghĩa là bún dưa hấu không phải là sản phẩm thời vụ. Cụ thể là chúng tôi đã bắt tay liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu”.
Du học Mỹ gần 4 năm nhưng Toàn chọn quay về quê để nối nghiệp gia đình làm bánh tráng, với mong ước đưa bánh tráng của quê hương ra thế giới.
Để sản phẩm truyền thống như bánh tráng, bún, phở khô xuất được đi các nước, ngoài việc cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm thì việc nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm sáng tạo cũng là một trong những yếu tố tiên quyết.
Hiện nay, chàng trai trẻ đang tiếp tục đầu tư nghiên cứu để làm mì, bánh hỏi, bún bò Huế bằng dưa hấu. Bên cạnh đó, kết hợp thêm nhiều dòng nông sản khác để gia tăng giá trị nông sản Việt Nam, để người nông dân có đầu ra ổn định cho nông sản.
Theo Vietnamnet