Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thái Bình cho biết, thực hiện Kế hoạch Cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm 2020 và trước, trong, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Đội QLTT số 1 đã kiểm tra đột xuất kho hàng đồ điện do ông Nguyễn Duy Ninh làm chủ, địa chỉ: Khu vực Nhà máy Đay, Phường Tiền Phong, TP. Thái Bình đang chứa hàng hoá là nồi cơm điện các loại có dấu hiệu vi phạm về nhãn và nguồn gốc xuất xứ hàng hoá.
|
Thu giữ nhiều nồi cơm điện không rõ nguồn gốc, nhãn mác. Ảnh: Cục QLTT Thái Bình |
Tại thời điểm kiểm tra, trong kho hàng có chứa sản phẩm nồi cơm điện các loại do nước ngoài sản xuất. Ông Nguyễn Duy Ninh - Chủ kho hàng đã không xuất trình được các loại giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của 177 sản phẩm nồi cơm điện các loại do Thái Lan sản xuất. Ngay sau đó, Đội QLTT số 1 đã đã ra quyết định tạm giữ để thẩm tra, xác minh, làm việc tiếp theo quy định của pháp luật.
Liên quan tới nồi cơm điện không rõ nguồn gốc, TS Trần Văn Thịnh, Trưởng Bộ môn Thiết bị điện - điện tử, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, cấu tạo của nồi cơm điện gồm ba phần: Vỏ nồi, nồi nấu và bộ phận đốt nóng, hay còn gọi là mâm nhiệt đi kèm với cảm biến nhiệt và nút điều khiển chọn chức năng. Vỏ nồi có 2 lớp, ở giữa có bông thủy tinh cách nhiệt. Nồi nấu làm bằng hợp kim nhôm, đặt khít trong vỏ, bên trong phủ lớp men chống dính. Phần đốt nóng gồm dây điện trở đúc trong ống chịu nhiệt, cách điện với ống và đặt trong mâm dưới đáy nồi.
Chuyên gia này cho rằng, những sự cố về điện đối với nồi cơm điện thường là rò điện gây giật điện. Bên cạnh đó, đối với những loại nồi cơm điện trôi nổi, không rõ nguồn gốc, nguy cơ còn nằm ở chỗ lõi nồi, bộ phận đun nóng nhanh hỏng thậm chí gây chập cháy. Điều này có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của người dùng.
Cũng theo TS Trần Văn Thịnh, thực tế đồ điện chính hãng được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất chặt chẽ, sử dụng chất liệu an toàn, đặc biệt trước khi xuất xưởng đã được kiểm tra rất kỹ về kỹ thuật. Còn các sản phẩm trôi nổi, nhà sản xuất thường sử dụng các linh kiện, chất liệu kém chất lượng nên hay rò điện nhanh hư hỏng dẫn đến chập cháy.
Theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, việc thiết bị điện, điện tử khi lưu thông phải có dấu hợp chuẩn đúng với quy định hiện hành.
Theo đó, tại QCVN 4:2009/BKHCN đã quy định “Các thiết bị điện và điện tử khi lưu thông trên thị trường phải có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; phải được chứng nhận hợp quy, mang dấu hợp quy (dấu CR) theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật này và chịu sự kiểm tra trên thị trường của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa (điều 3.1)”. Do đó, các thiết bị điện, điện tử thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, khi lưu thông bắt buộc phải được gắn dấu hợp quy (CR).
|
Theo Viet Q