Những ngày này tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội, xen lẫn những ruộng rau xanh mướt là những mẫu ruộng trồng củ cải trắng bỏ hoang. Được biết, trong thời gian này, củ cải trắng bán ra tại ruộng chỉ dừng lại ở mức từ 500 – 1.000 đồng/kg, trong khi dịp trước Tết, giá củ cải dao động ở mức từ 6.000 - 8.000 đồng/kg. Những ruộng củ cải trắng đang vào thời kỳ thu hoạch nhưng buộc phải nhổ bỏ vì lý do khiến nhiều gia đình thua lỗ hàng chục triệu đồng.
Theo người dân, chi phí mỗi sào củ cải phải mất 3,5 triệu tiền giống, phân bón và chăm sóc, nhiều gia đình trồng củ cải với diện tích lên tới vài mẫu nên thua lỗ rất nặng.
Trao đổi với PV, bà Hoàng Thị Sáng (xóm 3, thôn Đông Cao) cho biết, nhà bà có 3 sào, tính ra chi phí 1 sào mất khoảng 3 triệu đồng, giờ bán 1.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua. Nếu để tiếp thì củ cải bị xơ không làm gì được, nên cách duy nhất là nhổ bỏ. “Tính ra mỗi sào nhà tôi lỗ 2 triệu, chưa kể công nhổ, thuê xe công nông chở ra bãi đổ bỏ”, bà Sáng nói. Một số người đến ruộng để xin củ cải tươi về để nuôi cá.
Người dân thua lỗ đã đành, các thương lái còn thua lỗ nặng nề hơn, bà Hoài (thương lái mua củ cải) cho biết, trước Tết tôi đã hợp đồng mua chục sào củ cải của vài hộ tại đây. Trước Tết còn được giá, sau Tết rau củ nhiều từ khắp nơi đổ về, giá rớt thảm nên chấp nhận chịu lỗ. “Tính ra vụ này chúng tôi lỗ gần 200 triệu đồng”, bà Hoài cho hay.
|
Thu gom củ cải lên xe để mang đi tiêu hủy. |
Không chỉ củ cải, các loại rau màu khác của người dân huyện Mê Linh cũng đang trong tình trạng mất giá thảm hại. Giá rau dưa tại vườn chỉ bán được giá 2.000 đồng/kg, su hào giá 7.000 đồng/ túi khoảng 10 – 12kg.
Chị Đỗ Thị Hoài (thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong) cho biết, nhà còn cả sào su hào chưa thu hoạch nhưng vứt đó cho bò ăn. Chị này nhẩm tính, nhà có 5 sào su hào, mỗi sào thu được 3.000 củ, tổng tương đương 10 tấn. “Thế mà bán ra chỉ được gần 10 triệu đồng, chưa đủ tiền phân bón và cây giống, chưa tính công”, chị Hoài bức xúc.
Nguồn cung dư thừa
Ngày 16/3, Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội và UBND huyện Mê Linh đã tổ chức cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, ngoại thành Hà Nội trước thực trạng hàng chục tấn củ cải trắng ở đây đến vụ thu hoạch mà không ai mua, phải đổ bỏ…
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, ông Đoàn Văn Trọng cho rằng, giải pháp hiện nay là phải huy động các doanh nghiệp kinh doanh nông sản trên địa bàn Hà Nội thu mua giúp bà con. Chủ tịch huyện Mê Linh đề nghị các doanh nghiệp tham gia “giải cứu” củ cải trắng cho bà con thì cũng nên mua với giá cao chứ không nên mua giá thấp khiến bà con bị thua lỗ.
Đại diện UBND xã Tráng Việt cho biết, hiện xã có khoảng 200ha đất bãi, trong đó có 140ha trồng củ cải, còn lại là các loại rau quả khác. Việc củ cải trắng của bà con không bán được do đây là thời điểm cuối vụ. Trong khi đó mùa vụ trong năm củ cải lại được mùa không tiêu thụ hết, nguồn cung lớn khiến giá rớt thê thảm.
Thông thường năm nào cũng có một đợt rớt giá, nhưng đợt này kéo dài hơn mọi năm. Địa phương cũng mới định hướng cho bà con trồng giãn thời gian ra còn không có hỗ trợ nào về kinh tế. Bên cạnh đó, còn có thông tin thất thiệt về củ cải Trung Quốc, rồi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… khiến người tiêu dùng có phần nghi ngại khi mua củ cải. “Trong khi chúng tôi có thể khẳng định độ an toàn, và toàn bộ giống đều của Hàn Quốc”, đại diện UBND xã nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Hà Nội cho biết: Nguyên nhân chính của việc rớt giá các sản phẩm nông nghiệp là do đây là thời điểm chuyển đổi cây trồng, cả nước đều có tình trạng khủng hoảng thừa nông sản. Nguyên nhân thứ 2 là do sau Tết, nhu cầu nông sản cũng giảm đi nhiều. Nông sản giảm giá tập trung vào 3 mặt hàng là cải củ, cải bắp và su hào.
Đối với củ cải tại Mê Linh, ngành nông nghiệp đã kết nối nhiều doanh nghiệp đặt mua cả ruộng, do đó ngoài việc người dân thiệt hại, doanh nghiệp cũng bị thiệt hại nặng nề. Theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật thì không nhất thiết cần “giải cứu” nông sản, bởi đợt xuống giá này dự báo chỉ kéo dài vài ngày nữa, sau đó thị trường sẽ trở lại cân bằng.
Không thể cứ mãi giải cứu
Về vấn đề này, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay: Không thể năm này qua năm khác “giải cứu” nông sản, bởi sắp tới đến mùa dưa hấu sẽ lại tiếp tục câu chuyện “giải cứu”. Cần phải có giải pháp lâu dài cho vấn đề này bằng những chiến lược vĩ mô.
Theo ông Sơn, phải dự báo thông tin thị trường, xây dựng kênh buôn bán, tạo ra giá trị… Đưa được sản phẩm đến tận bàn ăn của người tiêu dùng chứ không phải đưa bán trên cửa khẩu hay thương lái. “Cách chúng ta làm hiện nay vẫn như làm kinh tế kế hoạch trước đây, trong khi hiện nay nhà nước kiến tạo cần xây dựng được thị trường chứ không phải đi thúc đẩy sản xuất”, TS. Đặng Kim Sơn nêu ý kiến.
Theo Trần Hoàn/Tiền Phong