Do ảnh hưởng của đợt dịch bệnh COVID-19 thứ 2, những ngày gần đây, trên nhiều trang mạng mua bán bất động sản liên tục xuất hiện thông tin các cơ sở khách sạn tại Đà Nẵng rao bán, sang nhượng vì hoạt động kinh doanh ảm đạm.
|
Các khách sạn ở Đà Nẵng đang được rao bán với giá từ vài chục tỷ đến cả trăm tỷ đồng. |
Chỉ cần lên kênh tìm kiếm của Google, gõ từ khóa “bán khách sạn Đà Nẵng” trong vòng 0,64 giây đã cho ra khoảng 25.200.000 kết quả. Giá của các khách sạn rao bán cũng được đăng công khai, giao động khoảng vài chục tỷ đến hơn trăm tỷ đồng. Thậm chí một số trang còn ghi rõ thông tin "vì nợ ngân hàng nên cần bán gấp khách sạn".
Đơn cử như một khách sạn nằm đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) với quy mô 110 phòng nghỉ, tiêu chuẩn 4 sao đang được rao bán với giá 280 tỷ đồng.
Hay một khách sạn 3 sao gồm 10 tầng khác nằm trên đường Hà Bổng (quận Sơn Trà) được đăng tin bán gấp với giá 70 tỷ đồng. Đây được xem là vị trí vàng cực kỳ đắc địa gần ngay đường Võ Văn Kiệt và Võ Nguyên Giáp du lịch nổi tiếng, cách biển 50m.
|
Các khách sạn rao bán đều từ 3 sao trở lên và có "view" đẹp ở Đà Nẵng. |
Một khách sạn khác với diện tích 100m2, với 17 phòng nằm trên đường Ngô Thì Sỹ (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cũng đang được rao bán với giá 15 tỷ đồng.
Việc hàng trăm khách sạn Đà Nẵng bị rao bán, dư luận đã đặt câu hỏi: Có “đô-mi-nô” tới Hà Nội, TPHCM?
Theo tìm hiểu của PV, do ảnh hưởng của dịch bệnh, trước đó nhiều khách sạn lớn ở Hà Nội cũng được rao bán. Đơn cử như khách sạn Candle 4 sao tại phố Đội Cấn, có diện tích hơn 2.000 m2, 20 tầng, được rao bán với giá 880 tỷ đồng. Tại Phố Hàng Trống, một khách sạn bán khách sạn 4 sao, 10 tầng, giá 130 tỷ đồng.
Tại phố Giảng Võ, quận Ba Đình, khách sạn 5 sao Grand Vista Hà Nội cao 17 tầng nổi và 3 tầng hầm, với 165 phòng nghỉ và chức năng đang được rao bán 950 tỷ đồng.
|
Nội thất bên trong một phòng của khách sạn Atlanta Hà Nội. |
Khách sạn 5 sao Atlanta Hà Nội với quy mô 16 tầng trên diện tích 560m2, ở Hàng Chuối, quận Hai Bà Trưng cũng đang rao bán với giá 480 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, tính đến hết tháng 8/2020, Hà Nội có khoảng 950 cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động với khoảng 16.000 lao động tạm thời không có việc làm. Phân khúc khách sạn cao cấp rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
Chủ một cơ sở khách sạn lớn tại Hà Nội chia sẻ với PV rằng, khách sạn ở trung tâm TP Hà Nội chủ yếu phục vụ lưu trú chủ yếu là khách đến từ nước ngoài. Do đường bay quốc tế của Việt Nam vẫn chưa được mở cửa, nên lượng khách du lịch vẫn đang giảm, từ đó dẫn đến việc khách sạn thưa vắng, kinh doanh ảm đạm.
Trong khi đó, ở TP HCM một số khách sạn nằm trên các tuyến đường trung tâm như: Lê Thánh Tôn, Cống Quỳnh, Lý Tự Trọng (quận 1),... vẫn đang ngừng kinh doanh, thông báo trả mặt bằng. Thậm chí một số khách sạn khác cũng lần lượt được rao bán với giá từ 75-100 tỷ, diện tích 70-90 m2, 7 lầu, 20-22 phòng ngủ.
Liên quan đến thông tin mua bán các khách sạn ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Bình - Phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho báo giới biết, trước tình hình ảnh hưởng dịch một số cơ sở lưu trú đã thực hiện thủ tục mua bán, chuyển nhượng bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, căn hộ. Theo thông tin sơ bộ, hiện nay trên địa bàn TP Đà Nẵng có khoảng 250-260 khách sạn/căn hộ/biệt thự đang rao bán, chiếm tỷ lệ 24.7% tổng số khách sạn (1.080 khách sạn).
Trong khi đó, Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, năm 2020 số lượng khách du lịch đến Đà Nẵng giảm mạnh. Theo đó, lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 1,9 triệu lượt, giảm 55,9% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 26,5% kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 644 nghìn lượt (khách còn lưu lại từ nhiều tháng trước), giảm 60,3% so với cùng kỳ 2019, khách nội địa ước đạt hơn 1,3 triệu lượt, giảm 53,5% so với cùng kỳ 2019. Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt gần 2.444 tỷ đồng, giảm 47,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Khánh Hoài (tổng hợp)