Tôi lạ gì me Thái, nhưng cứ lắc đầu, xem họ “cưng” sản phẩm và bảo vệ sản phẩm của họ như thế nào. Quả thực anh ta đeo bám nằn nì mãi, tôi làm ra vẻ miễn cưỡng nếm thử và gật gù xác nhận là me ngọt. Chàng ta bấy giờ mới bắt đầu chuyển qua quy trình được huấn luyện: kể câu chuyện về làng quê nơi trồng và hái, sấy me dưới nắng mặt trời. Chung quanh anh ta là những người mặc quần áo dân tộc thiểu số miền núi đang chào mời, kể chuyện về càphê nguyên chất, khóm, bưởi da xanh tươi đã lột vỏ, mọng nước.
Xem người Thái quảng bá sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Những người nông dân Thái không biết chút tiếng Anh nào cứ thế marketing cho sản phẩm bằng cả “ngôn ngữ cơ thể” rất mộc mạc, ít chuyên nghiệp mà tôi thích ngắm họ quá, họ yêu mê sản phẩm của họ sâu sắc thế. 16 gian hàng quảng bá cho 16 sản phẩm của khu vực này, bên trong hội chợ thực phẩm Thái (Thaifex 2017) hoàn toàn mở, có chung một vách dọc màu xám, với hai chữ to ở tấm bảng xám dựng ở đầu dãy kèm cái logo màu vàng nổi bật hai chữ: GI. Chỉ dẫn địa lý. Hai cô gái trẻ rất xinh nói lưu loát tiếng Anh chạy tới lui khi họ gọi trợ giúp. Tôi hỏi, cô là ở doanh nghiệp (DN) nào, cô cười, em chỉ là phiên dịch thôi. Nhiều nhất là các quầy gạo, nếp, và khá lạ lùng, đa số đều có logo USDA, chứng nhận hữu cơ của bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Tôi chỉ logo, hỏi một phụ nữ trung niên, cái gì đây. Chị nói như máy, Organic America. Tôi tròn mắt, lại làm bộ không hiểu. Chị đưa ngón tay cái làm dấu number one, số 1 và la to, Organic America, good good.
|
Ngoài chỉ dẫn địa lý, sản phẩm Thái gắn nhãn organic “khua khoắng ồn ào” khiến các doanh nhân phải sà vào hỏi han mua hàng. |
Cuốn catalô giới thiệu 16 sản phẩm được cục Sở hữu trí tuệ Thái in rất công phu. Người đại diện cục Sở hữu trí tuệ Thái giải thích, chúng tôi cấp văn bằng sau thời gian kiểm tra khó khăn, nhưng ngay sau đó là hướng dẫn họ cách canh tác bền vững, cách tiếp cận để lấy các chứng nhận tốt về hữu cơ các nơi (Mỹ, EU, Đức…) và giúp họ quảng bá sản phẩm, bán hàng.
Đó là điều khác cơ bản với Việt Nam mình. Chúng ta đã có tới 43 sản phẩm được cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý, nhưng cấp xong để đấy. Năm 2014, có một sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý của Việt Nam là nước mắm Phú Quốc đã được EU cấp chứng nhận bảo hộ ở EU sau năm năm xem xét (thế mà năm 2016, tất cả nhà thùng và công ty kinh doanh nước mắm Phú Quốc suýt chết vì trò bẩn do công bố “nghiên cứu” của chính hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, mới đau). Cho đến nay, ta chưa có hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý cấp quốc gia, chưa có mô hình tổ chức quản lý, càng chẳng có hoạt động quảng bá nào để đem lại giá trị gia tăng cho sản phẩm được bảo hộ.
Tối hôm 2.6, tôi gặp lại người bạn cũ, ông Pascal Billaud, nay là phó tổng giám đốc Central Group ngành phi thực phẩm, mới biết ông đang là đại diện Á châu của tổ chức Chỉ dẫn địa lý của Liên hiệp quốc. Ông hào hứng kể về những trợ giúp hào phóng và hiệu quả của Chính phủ Thái cho các DN được chứng nhận GI và thẳng thắn, tôi biết Việt Nam có hơn 40 sản phẩm được cấp GI, là mạnh lắm, sao chúng ta hai nước Thái, Việt không liên kết quảng bá? Tôi vẫn nhớ Việt Nam lắm, tôi ở đó chín năm còn gì, với vai trò của tôi, tôi sẵn sàng góp sức nâng GI Việt Nam.
Mới thấy chúng ta cứ chậm trong quản lý, quảng bá ngay chính gia tài lớn của mình.
Làm gì để đổi vận: nghèo mà gia tài cứ đem treo gác bếp?
Tại Thaifex năm nay, tính ra, có tới năm hoạt động hỗ trợ tập trung cho DN Thái về các mặt khác nhau. Ngoài GI Thái; có Trust mark (dấu chỉ chất lượng sản phẩm đáng TIN CẬY được bộ Thương mại Thái cấp cho sản phẩm xuất khẩu với thông điệp “Chất lượng Thái, thế giới tin cậy”); OTOP (chương trình mỗi làng một sản phẩm dành cho hàng bản địa các địa phương của Thái, hướng xuất khẩu); có Organic Thái, xuất hiện khá dày đặc tập trung quảng bá cho tiêu chuẩn hữu cơ của Thái; và cuối cùng, có DE mark, giải thưởng dành cho thiết kế sản phẩm xuất khẩu, nằm trong bộ giải thưởng của Thủ Tướng Thái tặng cho sản phẩm xuất khẩu của Thái hàng năm, do bộ Thương mại Thái tổ chức từ năm 2008). Tất cả đều do các cơ quan Chính phủ Thái trách nhiệm.
Điều chúng tôi phải thầm phục họ là mỗi giải có đối tượng, mục đích khác nhau nhưng tất cả đều được điều hành kiên trì, bền bỉ, không lệ thuộc nhiệm kỳ hay lòng tốt của cá nhân nào.
Việt Nam cũng có khu vực gian hàng tại Thaifex, số lượng không ít: 40 gian hàng nhưng tôi đếm, chỉ có chừng năm công ty liên quan xa gần tới Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC): Vinamilk (HVNCLC cả hai danh hiệu, do người tiêu dùng bình chọn và Chuẩn hội nhập), Betrimex (HVNCLC – Chuẩn hội nhập), Lotus Rice, có Thuận Phong và hai DN Barona và Sa Giang (HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn) đều của Đồng Tháp. Hỏi người trực gian hàng Sa Giang, vì sao cụm gian hàng Việt Nam hơi tuềnh toàng về trang trí tổng thể, anh ta nói: giá thuê gian hàng khá đắt, tới 4.000 USD, thêm chi phí cho nhân viên tham gia, nên DN Việt Nam không chịu bỏ tiền thêm để thiết kế riêng cho đẹp hơn. Hầu hết các gian hàng của Việt Nam là do DN trong khu chế xuất, khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương, Đồng Nai… và nhà tổ chức tự mời rồi gom họ lại chứ cũng chẳng có đầu mối nào trách nhiệm chung.
Ngoài chỉ dẫn địa lý, sản phẩm Thái gắn nhãn organic khua khoắng ồn ào các doanh nhân sà vào hỏi han mua hàng, mà nghĩ tới 50 DN Việt Nam đã nhận chứng nhận hữu cơ của USDA, của Control Union, của EU… Cần biết là Thái đã có logo hữu cơ của Thái, không kém cạnh sánh vai cùng các logo chứng nhận hữu cơ uy tín nhất thế giới. Chúng ta cũng có tất cả chứng nhận này, nhưng xem ra ta còn... giữ bí mật kỹ quá.
Xem kỹ, các giải thưởng của Thái thường nhấn mạnh vấn đề lao động, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội (cũng là nội dung chính của Trust mark). Tôi liên tưởng tới cuộc khủng hoảng lớn của Thái mà một thời, the Guardian khuấy động, là khi EU rút thẻ vàng tháng 4.2015 dự định cấm hẳn thuỷ sản Thái nhập vào châu Âu do khai thác bất hợp pháp, sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Họ cũng có những gót Achilles của họ. So với Trung Quốc, ta không bị thế giới ngán ngại vì thực phẩm bẩn, và không bị doạ rút thẻ vàng thẻ đỏ như Thái. Nhưng vì sao chúng ta cứ bỏ qua, phớt lờ, coi như “phạt việt vị” các gia tài thương mại lớn của mình? Sự thiếu đồng bộ? Thiếu kinh nghiệm tạo cơ sở pháp lý? Không, về pháp lý ta chẳng thua ai. Có lẽ chỉ thiếu tình yêu với sản phẩm của mình.
Theo Kim Hạnh /Thế Giới Tiếp Thị