Chị Trịnh Thị Mai (31 tuổi), chủ tài khoản ngân hàng A. cho biết vừa được bài học nhớ đời khi thực hiện giao dịch chuyển tiền có sự nhầm lẫn về số tài khoản.
|
Hành trình gian nan 300 triệu đồng bị chuyển khoản nhầm về với chủ. |
Khi thực hiện chuyển tiền trực tuyến số tiền 300 triệu đồng từ cuối tháng 5/2020 từ tài khoản của chị mở tại ngân hàng A., chị chuyển cho một đối tác có tài khoản mở tại ngân hàng V.
Tuy nhiên, do bấm nhầm 1 chữ số trong dãy số tài khoản có 13 chữ số của đối tác, số tiền 300 triệu đồng đã bị lạc sang một chủ tài khoản có tên Hoàng Thị H.
“Chính vì hai người có tên họ gần giống nhau nên tôi đã không phát hiện ra sự khác thường trước khi xác nhận giao dịch chuyển khoản. Xác định lỗi này là do mình nên tối cùng ngày tôi chuyển tiếp 50.000 đồng vào số tài khoản nói trên kèm nội dung tin nhắn là số điện thoại của tôi. Việc này nhằm mang lại hy vọng người nhận được tiền sẽ chủ động liên lạc lại với tôi, tuy nhiên không có hồi âm”, chị Trịnh Thị Mai cho biết.
Được biết, ngay sau khi phát hiện sự việc, chị Mai đã chủ động liên lạc với ngân hàng A. nhờ hỗ trợ. Tuy nhiên, do giao dịch được thực hiện liên ngân hàng, do vậy phía ngân hàng trả lời chị sẽ phải chờ đợi kết quả tra soát giữa 2 ngân hàng, có thể sau 45 ngày mới có kết quả tra soát.
Sốt ruột, chị Mai liên hệ với ngân hàng V. để nhờ hỗ trợ, nhà băng này cho biết không thể tùy tiện tiết lộ thông tin cá nhân của khách hàng. Mặc dù vậy, thông tin quan trọng được ngân hàng cho hay là đã tìm mọi cách liên lạc với khách hàng có tên Hoàng Thị H, nhưng người này không bắt máy.
Quá sốt ruột, phải thông qua một kênh không chính thống, gia đình chị Mai đã có được số điện thoại được cho là của người có tên Hoàng Thị H.
“Việc chuyển nhầm tiền là lỗi từ phía mình, nên khi đã có số điện thoại liên hệ thì mình chỉ có thể nói khó với người ta, mong người ta thông cảm, tự nguyện trả lại tiền cho mình vì đó là số tiền lớn đối với gia đình chúng tôi. Tuy nhiên, ban đầu nghe máy, người này tỏ rõ sự bối rối và sau đó nói rằng tôi đã gọi nhầm số” – chồng của chị Mai chia sẻ.
Xâu chuỗi lại diễn biến sự việc, vợ chồng chị Mai lo ngại 300 triệu đồng đó có thể “một đi không trở lại”. 3 ngày sau, vợ chồng chị quyết định trình báo công an.
Chỉ đến khi Công an vào cuộc mới xác định được chủ tài khoản Hoàng Thị H có địa chỉ tại một huyện thuộc tỉnh Nghệ An. Ngày 26/5, tức một tuần kể từ ngày giao dịch chuyển tiền nhầm diễn ra, sau khi được phía công an vận động, giải thích, chủ tài khoản Hoàng Thị H đồng ý trao trả lại cho khổ chủ 300 triệu đồng nhưng kèm theo yêu cầu được “lại quả” 5 triệu đồng và gia đình chị Mai lập tức chấp thuận.
Kinh nghiệm cho bất kỳ ai khi thực hiện giao dịch chuyển tiền online là cần kiểm tra kỹ thông tin tài khoản, họ tên người nhận tiền. Trong trường hợp chẳng may chuyển nhầm người, việc nên làm trước tiên là phải thông báo cho ngân hàng, đồng thời có thể gửi tiếp một số tiền nhỏ với mục đích ghi số điện thoại của mình vào nội dung chuyển tiền để người nhận nhầm liên lạc. Thực tế, không ít người đã nhận lại được tiền chuyển nhầm nhờ cách này.
Trường hợp người nhận được tiền không có thiện chí trả lại tiền, người chuyển tiền có thể trình báo sự việc với cơ quan Công an địa phương để nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Theo luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), thực tế đã có không ít những trường hợp tranh chấp do người thụ hưởng nảy sinh lòng tham.
Trong trường hợp một người bị người khác chuyển nhầm tiền vào tài khoản, biết rõ là mình không được hưởng số tiền đó nhưng cố ý không trả lại tiền, số tiền từ 10 triệu đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội 'Chiếm giữ trái phép tài sản'.
Đối với trường hợp chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, người chiếm giữ có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo Ngân Giang/Infonet