Theo thông báo, hôm nay (20/9), Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP.HCM sẽ mở phiên xét xử phúc thẩm vụ kiện “Tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (Tập đoàn cà phê Trung Nguyên).
Theo hồ sơ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo khởi kiện chồng là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Tập đoàn cà phê Trung Nguyên nhằm yêu cầu hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực của mình. Bà Thảo cho rằng quyết định này đã được ông Vũ ban hành trái quy định pháp luật.
|
Hôm nay, vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ lại ra tòa để giải quyết vụ kiện tranh chấp quyền điều hành Trung Nguyên. |
Bà Thảo cũng yêu cầu ông Vũ chấm dứt hành vi ngăn chặn bản thân thực hiện các quyền và trách nhiệm điều hành công ty với tư cách thành viên Hội đồng quản trị và Phó Tổng giám đốc thường trực. Ngoài ra, bà Thảo còn có yêu cầu một số nội dung khác.
Cuộc chiến tranh chấp quyền điều hành Trung Nguyên của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ bắt đầu từ tháng 4/2015, khi ông Vũ đột ngột bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Tập đoàn Trung Nguyên.
Đến tháng 10/2015, ông Vũ lại có văn bản triệu tập cuộc họp HĐQT để thảo luận, biểu quyết miễn nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT kiêm CEO của bà Thảo và thay đổi người đại diện theo pháp luật tại tập đoàn này. Bà Thảo có văn bản không đồng ý việc triệu tập cuộc họp nhưng sau đó ông Vũ vẫn tổ chức mà vắng mặt người có liên quan.
|
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ. |
Trong cuộc họp vào ngày 2/11/2015, do ông Vũ chủ trì, chỉ có 2 thành viên là ông và mẹ ông để lập biên bản và ra nghị quyết miễn nhiệm bà Thảo khỏi các chức vụ nêu trên. Biên bản 2 thành viên cũng quyết định bầu ông Vũ vào vị trí Chủ tịch kiêm CEO của Trung Nguyên, thay đổi người đại diện pháp luật từ bà Thảo sang ông Vũ.
Bà Thảo cho rằng các quyết định miễn nhiệm bà và bổ nhiệm ông Vũ không đúng quy định pháp luật, gây bất lợi, ảnh hưởng đến việc điều hành của bà trong công ty. Do đó, tháng 11/2015, bà Thảo khởi kiện quyết định trên lên tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.
Trong phiên xử sơ thẩm vào tháng 8/2016, TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên bác các yêu cầu của bà Thảo. Bà Thảo kháng cáo, yêu cầu TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại.
Giữa năm 2017, bà Thảo khởi kiện chồng là ông Đặng Lê Nguyên Vũ với tư cách Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty CP tập đoàn Trung Nguyên ra TAND TP.HCM. Bà Thảo khởi kiện với 4 yêu cầu: buộc ông Vũ hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng Giám đốc thường trực trái pháp luật, khôi phục lại chức danh cũ cho bà, chấm dứt các hành vi ngăn chặn để bà thực hiện quyền, nghĩa vụ của 1 cổ đông công ty cũng như là thành viên HĐQT…
Ngày 22/9/2017, Tòa án Nhân dân TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ kiện này, với phán quyết hủy quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo do ông Vũ (với tư cách Chủ tịch HĐQT) ký tháng 4/2015. Đồng thời, khôi phục chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo trong Tập đoàn Trung Nguyên. Tòa cũng yêu cầu ông Đặng Lê Nguyên Vũ không được ngăn cấm bà Thảo tham gia điều hành, quản lý tại tập đoàn này.
Song đến ngày 10/10/2017, ông Vũ và Công ty Cổ phần tập đoàn Trung Nguyên đã gửi đơn kháng cáo và tiếp tục ra quyết định bãi nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo.
Ngày 7/2/2018, TAND Cấp cao tại TP.HCM đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án này. Tuy nhiên, ngay trước phiên xét xử, Tập đoàn Trung Nguyên đã có đơn xin hoãn phiên tòa phúc thẩm.
Và đến ngày hôm nay, 20/9/2018, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ mở lại phiên xét xử phúc thẩm vụ án trên.
Việc TAND Cấp cao tại TP.HCM đưa vụ án này ra xét xử theo trình tự phúc thẩm là bởi Tập đoàn Trung Nguyên đã có đơn kháng cáo đối với Bản án sơ thẩm mà TAND TP.HCM đã tuyên ngày 22/9/2017.
Đơn kháng cáo của Tập đoàn Trung Nguyên cho rằng Yêu cầu 1 trong đơn khởi kiện của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Yêu cầu Tòa án hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực của bà Thảo, do ông Vũ với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Trung Nguyên ký; Đồng thời yêu cầu Tòa án buộc Tập đoàn Trung Nguyên không được ngăn cản, cản trở bà Thảo tham gia điều hành, quản lý Công ty, với tư cách là một Thành viên Hội đồng quản trị và Phó Tổng giám đốc thường trực) không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Cụ thể, Tập đoàn Trung Nguyên cho rằng yêu cầu trên không thuộc Điều 30 và 31 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Tuy nhiên, các luật sư của bà Thảo đồng tình với Bản án sơ thẩm khi căn cứ vào Điều 30.4 Bộ luật Tố tụng Dân sự để xác định bản chất của tranh chấp.
Cũng trong đơn kháng cáo, Tập đoàn Trung Nguyên cho rằng cần sửa Bản án sơ thẩm theo hướng bác bỏ việc ghi nhận công nhận thỏa thuận của các đương sự. Tuy nhiên, phía bà Thảo cho rằng ý kiến này hoàn toàn không có cơ sở vì việc Tập đoàn Trung Nguyên đồng ý một phần của Yêu cầu 2 (Yêu cầu Tập đoàn Trung Nguyên cung cấp các báo cáo tài chính liên quan đến hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên của các năm trước đây và đến thời điểm hiện tại; cung cấp Điều lệ, các Biên bản họp, Nghị quyết của Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn Trung Nguyên theo quy định của pháp luật) và toàn bộ Yêu cầu 4 (Yêu cầu ông Vũ với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị phải triệu tập các cuộc họp Hội đồng quản trị và Đại hội đồng cổ đông (thường niên và bất thường) theo quy định của pháp luật) không chỉ được ghi nhận trong Bản án sơ thẩm, mà còn trong Biên bản hòa giải ngày 24/01/2017.
Theo Hạnh Nguyên/Vietnamnet