Chia sẻ với báo chí chiều 8/9, ông Fredrik Famm, Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á, cho biết Việt Nam là thị trường thứ 68 trên toàn cầu và là thị trường thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á của thương hiệu thời trang này. Cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam khai trương trong ngày 9/9 ở TP.HCM là cửa hàng thứ 5 mở cửa từ đầu năm 2017 đến nay.
Cửa hàng H&M đầu tiên tọa lạc tại TTTM Vincom Center Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM), bao gồm 2 tầng với tổng diện tích 2.200 m2 sát vách với Zara, đối thủ cạnh tranh chính với H&M tại các thị trường. Việc mở cửa hàng sát vách với Zara được đại diện H&M cho rằng “rất vui khi ở bên cạnh đối thủ, thậm chí càng nhiều đối thủ càng tốt”.
|
Có khoảng 30 nhà cung cấp Việt Nam đang cung ứng sản phẩm cho H&M từ năm 2011. |
Theo ông Fredrik Famm, có nhiều thương hiệu trong một trung tâm mua sắm sẽ kích thích khách mua sắm hơn, và điều này cũng sẽ tốt cho các nhãn hàng hơn.
Phía H&M cũng cho biết đã mất 2 năm thăm dò thị trường Việt Nam, xây dựng cửa hàng, đào tạo đội ngũ kinh doanh trước khi chính thức khai trương điểm bán đầu tiên. Không đi theo hình thức phân phối hay nhượng quyền, thương hiệu này vào Việt Nam bằng cách thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.
|
ông Fredrik Famm. |
Việc gia nhập thị trường Việt lúc này được cho là đúng thời điểm. Bởi nhà bán lẻ thời trang nhìn thấy tiềm năng gần đây. Các điểm mua sắm hiện đại tại Việt Nam cũng ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Ông Fredrik Famm khẳng định đây là thị trường tiềm năng của thời trang, khi dân số trẻ, kinh tế phát triển nhanh.
“Việt Nam được nhìn nhận là thị trường có gu về thời trang khá tốt, chúng tôi tin ý tưởng kinh doanh của mình sẽ phù hợp và phát triển. Chúng tôi không đặt tham vọng mình sẽ là nhãn hàng thời trang đầu tiên vào thị trường Việt Nam, mà quan trong hơn đó là vào theo cách chuẩn nhất, đúng nhất, để có được sự phát triển bền vững và lâu dài”, ông Fredrik Famm nói.
Đại diện này cũng cho biết đã làm việc với khoảng 25 trung tâm thương mại trước khi quyết định mở cửa hàng hiện tại.
Một điều đặc biệt của thương hiệu thời trang này là không sở hữu nhà máy nào mà làm viêc với các đơn vị sản xuất độc lập. Hiện có 800 nhà cung cấp với khoảng 2.000 nhà máy đang cung ứng sản phẩm. Trong đó 80% ở châu Á có cả Việt Nam.
|
H&M cho biết đã làm việc với 25 trung tâm mua sắm trước khi quyết định địa điểm mở cửa hàng đầu tiên. Ảnh: Lê Quân. |
Các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất cho H&M từ năm 2011. Thương hiệu này đang làm việc với khoảng 30 nhà cung cấp với trên 40 nhà máy Việt Nam. Các nhà cung cấp ở Việt Nam cung ứng cho H&M sản phẩm chủ đạo như phụ kiện thời trang, giày dép, áo khoát, đồ len, dệt kim…
Không chia sẻ về kế hoạch mở cửa hàng tiếp theo, cũng như kế hoạch tiến quân ra thị trường Hà Nội, nhưng ông Fredrik Famm cho biết H&M mở tại Philippines cách đây 2 năm, và hiện đã có đến 30 cửa hàng. Điều này cho thấy nếu điều kiện về cơ sở vật chất để mở cửa hàng tốt thì cửa hàng sẽ được mở rất nhanh.
“Hiện chúng tôi đang tìm kiếm rất nhiều địa điểm khác nhau để mở một số lượng lớn cửa hàng trong 2 năm tiếp theo. Còn tuần này thì tôi muốn tập trung hoàn thiện cửa hàngH&M đầu tiên tại TP.HCM. Vì đây cũng là cơ hội quan trọng để chúng tôi hiểu hơn về nhu cầu, sở thích tiêu dùng của người Việt Nam, để có chiến lược phù hợp hơn cho việc mở cửa hàng tiếp theo".
|
Sát vách với cửa hàng H&M là đối thủ Zara đã ghi dấu sự hiện diện của mình một năm trước. Ảnh: Lê Quân. |
Chính sách giá cũng được H&M chia sẻ với mục tiêu là tương đối đồng đều tại các thị trường trên thế giới.
Thương hiệu này cũng không dấu tham vọng trở thành là điểm đến thời trang số 1 ở Việt Nam trong vài năm tới.
Việc mở cửa hàng tại Việt Nam trong năm 2017 được hãng bán lẻ thời trang này đăng tải trên trang chủ của mình từ năm 2016, với nhiều đồn đoán cửa hàng đầu tiên được mở tại Hà Nội.
Hennes & Mauritz AB (H&M) thành lập vào năm 1947 tại Thụy Điển và được niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq Stockholm. Các cửa hàng đầu tiên được mở trên các đường phố của Thụy Điển vào năm 1947. Bên cạnh H&M, Hennes & Mauritz AB còn sở hữu các thương hiệu khác như & Other Stories, Cheap Monday, COS, Monki, Weekday và H&M Home.
Theo Hồng Nguyên/Zing