Thông tin được đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề hóa đơn điện tử do Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức chiều ngày 19-10.
Theo đó, Nghị định 119/2018 quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-11-2018. Để tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi hóa đơn giấy truyền thống sang hóa đơn điện tử, Nghị định có quy định thời hạn 24 tháng để các doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện để áp dụng.
|
Các hộ kinh doanh thu nhập từ 3 tỉ đồng/năm trong một số lĩnh vực sẽ phải dùng hóa đơn điện tử - Ảnh: N.AN
|
Theo quy định, hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên 10 lao động trở lên, có doanh thu năm trước liền kề từ ba tỉ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng; hoặc có doanh thu năm trước liền kề từ 10 tỉ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ thì phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Quy định này không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Đối với các hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bán lẻ tân dược, hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng tại một số địa bàn có điều kiện thuận lợi, thì triển khai thí điểm hóa đơn điện tử.
Doanh nghiệp kinh doanh ở một số lĩnh vực như điện, xăng dầu, bưu chính viễn thông, vận tải hàng không, đường bộ đường sắt, đường biển, đường thủy, nước sạch, tài chính tín dụng, bảo hiểm, y tế, kinh doanh thương mại điện tử, siêu thị, thương mại và doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh khi thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, có hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm hóa đơn điện tử, thì được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, dịch vụ...
Đối với kiểm soát hóa đơn điện tử với hàng hóa lưu thông trên thị trường, Nghị định 119 cũng quy định trường hợp bất khả kháng do sự cố thiên tai và mạng không truy cứu được hóa đơn, sẽ áp dụng hai trường hợp là sử dụng chứng từ giấy là bản sao của chứng từ hóa đơn điện tử, sẽ tra cứ trên cổng.
Trường hợp mà không có chứng từ giấy thì cơ quan nhà nước sẽ truy cập cổng thông tin của Tổng cục thuế để kiểm tra thông qua hình thức như tin nhắn, truy cập mạng...
Nghị định 119 cũng quy định 5 trường hợp không phải sử dụng hóa đơn điện tử, bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn; hộ cá nhân kinh doanh dưới ba tỉ đồng; doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh; các trường hợp khác cần thiết.
Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, cho biết đây là thời điểm thích hợp và thuận lợi để triển khai thực hiện chuyển đổi hóa đơn điện tử. Hiện nay đã có tới trên 99% doanh nghiệp kê khai thuế điện tử với cơ quan thuế và 95% đang thực hiện.
Nghị định này cũng rút ngắn thủ tục hành chính về hóa đơn cho doanh nghiệp, từ 5 thủ tục chỉ còn 1 thủ tục duy nhất.
Theo N.An/Tuoitre