Ngày 4/1/2023, Thanh tra Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu. Trước đó, ngày 13/11/2023, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận thanh tra số 1061/KL-TTCP về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.
Theo đó, thông báo kết luận thanh tra nêu rõ, về quản lý quỹ bình ổn giá, trong đó ghi nhận Bộ Công Thương chưa xử lý kịp thời vi phạm về quỹ của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khi Bộ Tài chính đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại quản lý quỹ bình ổn giá phù hợp…
Báo Dân trí ngày 11/1 đưa tin, dẫn Kết luận thanh tra số 1061/KL-TTCP về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu cho biết, Thanh tra Chính phủ phát hiện từ ngày 1/1/2017 đến 30/6/2022 có 8 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó có Công ty TNHH Hải Linh (trụ sở tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) chưa thực hiện đầy đủ việc đăng ký hệ thống phân phối xăng dầu định kỳ và khi có sự thay đổi với Bộ Công Thương theo quy định.
Công ty TNHH Hải Linh cũng thuộc nhóm 7 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu sai mục đích, không kết chuyển về tài khoản quỹ bình ổn giá mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên, trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại quỹ bình ổn giá xăng dầu với tổng số tiền trên 7.927 tỷ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, Công ty TNHH Hải Linh đã kết chuyển số tiền trích lập và chi sử dụng vào tài khoản quỹ bình ổn giá, nhưng sau đó chuyển về tài khoản thanh toán của doanh nghiệp để sử dụng, với tổng số tiền trên 2.551 tỷ đồng (số liệu cộng dồn của các kỳ). Do vậy, cơ quan thanh tra đã kiến nghị thu hồi trên 2.551 tỷ đồng của Công ty TNHH Hải Linh sử dụng sai mục đích nói trên, đưa về quỹ bình ổn giá xăng dầu.
DN tư nhân hàng đầu trong lĩnh vực xăng dầu
Được biết, Công ty TNHH Hải Linh do vợ chồng đại gia Lê Văn Tám thành lập ngày 18/7/2002 và có địa chỉ trụ sở chính tại khu 2, xã Sông Lô, TP Việt Trì, Phú Thọ. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan.
Dữ liệu của trang thông tin tài chính Người Quan sát cho thấy, tính đến cuối năm 2021, vốn điều lệ của Hải Linh đạt 2.050 tỷ đồng, trong đó ông Lê Văn Tám sở hữu 68,67% cổ phần; số cổ phần còn lại do bà Nguyễn Thị Hải nắm giữ (31,33%). Ông Tám đồng thời đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của công ty.
Thông tin từ tạp chí VietnamFinance cho thấy, hình thành trên cơ sở doanh nghiệp tư nhân Hải Linh, sau hơn 20 năm thành lập, Hải Linh được đánh giá là một trong những doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc ổn định thị trường xăng dầu tại các tỉnh phía Bắc, nhất là trên địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Hải Phòng..., công ty có khoảng hơn 200 đại lý trên địa bàn các tỉnh trên. Thị phần xăng dầu của công ty chiếm 20 - 30% và thị phần gas chiếm trên 50% thị phần khu vực.
Theo xếp hạng của Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report JSC), năm 2022, Công ty TNHH Hải Linh đứng thứ 68 trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và xếp hạng 33 trong số 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Trong lĩnh vực xăng dầu, Công ty TNHH Hải Linh được cho là chỉ xếp sau “ông lớn” Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, và đứng trên các doanh nghiệp xăng dầu nổi tiếng như: Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức (trụ sở tại Nghệ An, vừa bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm và chuyển hồ sơ sang Bộ Công an), Công ty CP hóa dầu quân đội (MIPEC),...
Tiềm lực hệ sinh thái Hải Linh có gì?
Theo dữ liệu của VietnamFinance, giai đoạn 2017 - 2019, tổng tài sản của Hải Linh tăng đáng kể, từ 5.845 tỷ đồng (năm 2017) lên 7.351 tỷ đồng (năm 2018) rồi lên 12.234 tỷ đồng (năm 2019). Đáng chú ý, các khoản phải thu ngắn hạn tăng khá mạnh ở giai đoạn này, từ 439,2 tỷ đồng (năm 2017) lên 752,9 tỷ đồng (năm 2018), rồi tăng gần 6 lần lên 4.325 tỷ đồng (năm 2019). Hàng tồn kho của Hải Linh ở giai đoạn này cũng tăng đáng kể, lần lượt là 1.169 tỷ đồng (năm 2017), 1.328 tỷ đồng (năm 2018) và 1.726 tỷ đồng.
Tuy nhiên, phần lớn tài sản của Hải Linh được tài trợ bằng nợ phải trả (trái phiếu, vốn ngân hàng, vốn của nhà đầu tư - PV). Cụ thể, nợ phải trả năm 2017 là 4.999 tỷ đồng (tương đương khoảng 85,5% tổng tài sản), năm 2018 là 6.230 tỷ đồng (tương đương 84,7%) và năm 2019 là 10.799 tỷ đồng (tương đương 88%). Trong đó, nợ vay ngắn hạn tăng khá mạnh ở giai đoạn này, từ 1.616 tỷ đồng (năm 2017) lên thành 4.274 tỷ đồng (năm 2019).
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Hải Linh ghi nhận năm 2017 là 846,3 tỷ đồng, năm 2018 là 1.121 tỷ đồng và năm 2019 là 1.434 tỷ đồng. Như vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Hải Linh ở giai đoạn này là rất cao, ở các mức từ 5,5 lần đến 7,5 lần.
Đáng lưu ý, xét theo dòng tiền cho thấy, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Hải Linh trong 2 năm 2017 - 2018 liên tiếp là con số âm. Cụ thể, năm 2017 âm 83,4 tỷ đồng thì năm 2018 âm nặng hơn với 366,6 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến công ty phải tăng cường vay nợ, biểu hiện cụ thể là dòng tiền vay/trả ngày càng lớn: Năm 2017 là 13.074 tỷ đồng/12.349 tỷ đồng, năm 2018 là 20.006 tỷ đồng/18.455 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, năm 2017, dòng tiền thuần của Hải Linh âm hơn 663 tỷ đồng. Tuy vậy, chỉ số này đã được cải thiện ở năm 2018 và 2019, lần lượt là 23,3 tỷ đồng và 1.134 tỷ đồng, cho thấy công ty đã khắc phục được điểm yếu và củng cố sức khỏe tài chính.
Theo tờ Nhịp sống thị trường, thông tin thay đổi đăng ký kinh doanh vào tháng 4/2023 cho thấy, Công ty TNHH Hải Linh đã thực hiện tách doanh nghiệp, theo đó vốn điều lệ mới của công ty từ 4.550 tỷ đồng còn 1.350 tỷ đồng. Hai thành viên góp vốn của công ty bao gồm: Ông Lê Văn Tám chiếm 85,9% và bà Nguyễn Thị Hải chiếm 14,1% vốn góp.
Ngoài Công ty TNHH Hải Linh, trong hệ sinh thái của đại gia xăng dầu Lê Văn Tám còn có một số doanh nghiệp khác như: Công ty TNHH Điện Lực Hiệp Phước, Công ty TNHH MTV dầu khí Hải Linh Vũng Tàu, Công ty TNHH MTV Hải Linh Bắc Ninh, Công ty TNHH MTV Hải Linh Hà Nam, Công ty TNHH MTV Hải Linh Tây Bắc… Đây đều là những doanh nghiệp có doanh thu mỗi năm từ vài trăm tỷ đến vài nghìn tỷ đồng.
Gần đây truyền thông nhiều lần nhắc đến tòa lâu đài Hải Linh của "đại gia xăng dầu" Lê Văn Tám. Lâu đài này cũng là văn phòng, trụ sở làm việc của Công ty TNHH Hải Linh, toạ lạc ở vị trí đất vàng đắc địa tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Công trình được khởi công từ năm 2019 với tổng diện tích sàn gần 18.000m2, chiều cao 70m, có tổng mức đầu tư lên đến cả nghìn tỷ đồng. Tuy vậy, đến nay “siêu biệt thự” này vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Hải Linh Lê Văn Tám khẳng định không còn nợ Quỹ BOG
Ngày 15/1, thông tin trên báo Dân trí, ông Lê Văn Tám, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty Hải Linh cho biết, sau khi báo chí phản ánh, công ty đã tiến hành rà soát lại số tiền 2.551 tỷ đồng nêu trên. Cụ thể, trong thông cáo báo chí đăng tải trên website, Công ty nhấn mạnh, số tiền 2.551 tỷ đồng Quỹ BOG đã được trích lập và được trích xả theo các kỳ điều hành giá của Bộ Công Thương. Đại diện Công ty cũng khẳng định, tại thời điểm tháng 9/2022 đoàn thanh tra làm việc tại doanh nghiệp, công ty đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ theo đúng quy định và không còn nợ Quỹ BOG.
Trong một diễn biến khác, ông Lê Văn Tám cũng có văn bản báo cáo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) về tình hình thực hiện trích lập, chi sử dụng, lãi phát sinh và số dư Quỹ BOG tính đến tháng 12/2023. Theo đó, tại ngày 31/12/2023, ghi nhận số dư Quỹ BOG của Công ty Hải Linh (có xác nhận của ngân hàng) còn trên 46 tỷ đồng.
Liên Hà Thái (t/h)