Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần điện Bình Thủy Lâm Đồng được thành lập từ tháng 4/2009, có trụ sở chính tại thôn 16, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.
Công ty này có mã số thuế là 5800698745, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là trồng rừng và chăm sóc rừng. Ông Nguyễn Văn Quân làm Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần điện Bình Thủy Lâm Đồng. Ngoài ra, ông Quân còn đại diện cho Công ty Cổ phần thủy điện Huổi Vang - Thành Bưởi.
Về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này, không thấy báo chí nhắc đến. Thậm chí, công ty cũng không có website.
|
Dự án Thuỷ điện Đại Bình. (Ảnh: Báo Lâm Đồng). |
Mới đây, Công ty Cổ phần Điện Bình Thủy Lâm Đồng đã bị UBND tỉnh Lâm Đồng xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 300 triệu đồng, vì đã thực hiện hành vi vi phạm khi triển khai xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy thủy điện Đại Bình mà không có giấy phép môi trường theo quy định.
Hình phạt bổ sung, đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải trong thời gian 3 tháng (kể từ ngày ban hành Quyết định xử phạt) theo quy định tại Điểm a khoản 5 Điều 14 nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/07/2022 của Chính phủ.
Được biết, dự án nhà máy Thuỷ điện Đại Bình do Công ty cổ phần điện Bình Thủy Lâm Đồng làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 587 tỷ đồng, công suất thiết kế 15MW, diện tích phê duyệt 56 ha, được triển khai thi công từ tháng 12/2015.
Liên quan đến dự án, thời điểm tháng 9/2016, trong quá xây dựng công nhà máy Thuỷ điện Đại Bình cũng vướng lùm xùm bị Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng định đình chỉ thi công do mắc nhiều sai phạm, trong đó có việc gây ngập úng nhiều diện tích đất cây trồng của người dân.
Trên đây không phải lần đầu tiên Công ty Cổ phần Điện Bình Thủy Lâm Đồng bị xử phạt. Trước đó, cuối tháng 7/2023, chủ đầu tư này từng bị UBND tỉnh Lâm Đồng xử phạt số tiền 110 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp hơn 61 triệu đồng do thực hiện hành vi vi phạm, gồm:
Chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn diện tích 1.263m2 đất do UBND xã Tân Lạc (huyện Bảo Lâm) quản lý; chiếm đất trồng cây lâu năm diện tích hơn 9,4ha của hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng đã được doanh nghiệp thỏa thuận đền bù về đất và tài sản gắn liền với đất trong các năm 2020, 2021, 2022.
Khánh Hoài (tổng hợp)