Vietstar Airlines là một cái tên mới được nhiều người nhắc đến nhất mấy ngày vừa qua, bởi lẽ, đây là hãng hàng không đang rất muốn được gia nhập vào cuộc đua khốc liệt của ngành hàng không Việt Nam sau Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vasco, Vietjet Air, Air Mekong và Indochina Airlines.
Đặc biệt là thông tin ,Vietstar Airlines vẫn chưa được cấp phép bay trong năm 2017 với lý do Tân Sơn Nhất quá tải, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký văn bản số 495/TTg-CN, yêu cầu xem xét cấp phép bay cho Hãng hàng không Vietstar trong 3 năm tới, sau khi sân bay Tân Sơn Nhất được nâng cấp khiến dư luận tò mò không biết hồ sơ năng lực của hãng hàng không giá rẻ này đến đâu?
|
Ảnh minh họa - Internet. |
Được biết, Công ty Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) có trụ sở tại 28 Phan Thúc Duyện, Phường 4, quận Tân Bình, TP HCM. Hãng hàng không này được Sở Kế hoạch đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp phép kinh doanh ngày 27/4/2010 và được Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không chung vào ngày 16/6/2011, chỉ sau hơn 1 năm hoạt động.
Hãng hàng không Vietstar Airlines này được thành lập từ 3 cổ đông chính là Công ty sửa chữa máy bay A41 (Quân chủng Phòng không - Không quân), Công ty Cổ phần Hàng không Ngôi Sao Việt và Công ty Cổ phần Chuyển phát nhanh Tín Thành với vốn pháp định ban đầu là 400 tỷ đồng.
Mục tiêu của hãng là cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa cho nhu cầu ngày càng cao của khách hàng tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là dịch vụ air taxi bằng các loại máy bay nhỏ dành cho đối tượng khách hàng có nhu cầu nhanh chóng.
Theo thông tin từ website của công ty, Vietstar Airlines là đơn vị là doanh nghiệp Cổ Phần liên doanh, liên kết với Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc Phòng. Đây là lý do mà song song với kinh doanh dân dụng, công ty còn phục vụ cho cả quân dụng như vận chuyển quân lực, quân trang, bay thăm dò, khảo sát.
Bên cạnh đó, hãng còn cung cấp các dịch vụ khác liên quan đến khai thác chung của ngành hàng không như bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, phục vụ mặt đất (cả nhà ga hành khách và sân đỗ), phục vụ hàng hóa, cung cấp dịch vụ máy bay chở khách, chở hàng thuê chuyến (charter), môi giới thuê máy bay, cho thuê thiết bị vận tải hàng không kèm người điểu khiển...
Mặt khác, thông tin phản ánh trên Zing ngày 28/3/2016 cho hay, theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho đến ngày 31/12/2015, vốn điều lệ của công ty là 800 tỷ đồng, còn góp của chủ sở hữu là 700 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 652.7 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, công ty còn thiếu 47,3 tỷ đồng so với yêu cầu vốn tối thiểu đối với hãng hàng không vận chuyển hành khách, hàng hóa quốc tế và nội địa quy định tại Điều 8 Nghị định số 30 năm 2013 của Chính phủ.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 5 năm đầu hoạt động, hãng hàng không này dự kiến khai thác đội tàu bay gồm 3 chiếc máy bay giá rẻ là Boeing 737/Airbus320. Hãng cũng đã xuất trình được thỏa thuận thuê 3 tàu bay Boeing 737 với một công ty cho thuê máy bay.
Hiện tại, Vietstar đã xây dựng phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm rõ ràng với các mục tiêu phát triển và chỉ tiêu kế hoạch cụ thể cho giai đoạn hoạt động 5 năm đầu với thị trường mục tiêu và đường trục nội địa Bắc - Nam, khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Mặc dù vậy, với việc hướng tới thuê/mua loại máy bay giá rẻ là Boeing 737 hay Airbus320, có thể thấy Vietstar cũng sẽ đi theo hướng hàng không giá rẻ, con đường mà Vietjet Air đang rất thành công.
Trước đó, hãng hàng không này đã được cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại vào ngày 16/6/2011. Kể từ khi được cấp phép năm 2011, công ty đã cung cấp các dịch vụ hàng không chung phục vụ kinh tế, xã hội và du lịch; các dịch vụ kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay (MRO), dịch vụ khai thác cảng hàng không.
Theo thông tin báo Pháp luật, tính đến ngày 31/12/2015, Vietstar Airlines lỗ lũy kế 47,4 tỷ đồng. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp này còn cho thấy, khoản vay nợ đáng lưu ý nhất của Vietstar là khoản vay dài hạn Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Eximbank với tổng dư nợ tại ngày 31/12/2015 là 290 tỷ đồng – tăng 40% so với thời điểm đầu năm. Đây là khoản tiền vay theo Hợp đồng tín dụng số 2000-LAV-201405688 ngày 05/11/2014 chịu lãi suất 10,5%/năm dùng để mua sắm tài sản cố định.
Đến tháng 8/2015, tiếp tục “ôm mộng” giấc mơ “cất cánh bay”, Công ty CP hàng không Lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines) đã trình hồ sơ xin cấp Giấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Tuy nhiên, cho đến nay, chặng đường để có được giấy phép của Vietstar Airlines vẫn còn khá gian nan.
Bảo Ngọc (Tổng hợp)