Với những chính sách kích cầu bất động sản thông qua đẩy mảnh phân khúc nhà ở xã hội, hoạt động xây dựng dự báo sẽ ấm lên, giá thép hồi phục. Cổ phiếu HPG đã tăng mạnh gần gấp đôi so với đáy hồi tháng 11/2022. Tài sản của tỷ phú Trần Đình Long vì thế cũng tăng thêm khoảng 900 triệu USD, lên mức 1,8 tỷ USD theo tính toán của Forbes.
Kết quả kinh doanh khả quan
Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (Hòa Phát, mã: HPG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2023. Theo đó, doanh thu quý I/2023 đạt 26.865 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ 2022. Trừ hết các khoản chi phí, Tập đoàn Hòa Phát lãi hợp nhất 383 tỷ đồng, dù chỉ đạt 5% so với kế hoạch kinh doanh của năm 2023. Nhưng đây được xem là kết quả khả quan sau 2 quý cuối năm 2022 thua lỗ tới gần 3.500 tỷ đồng.
Tổng tài sản tại ngày 31/3 của Hòa Phát là 175.409 tỷ đồng, tăng thêm 5.073 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tài sản cố định chiếm tỷ trọng gần 40%, tương ứng với giá trị gần 70.000 tỷ đồng và là khoản mục lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Hòa Phát. Hàng tồn kho và tiền gửi ngắn hạn là những khoản mục chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 và thứ 3 trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp này.
Ngay khi thông tin được công bố, giá cổ phiếu HPG của Hòa Phát tăng mạnh gần 3%, lên 21.100 đồng/cổ phiếu. Theo Hòa Phát, trong quý I, sản xuất thép và sản phẩm liên quan vẫn là hoạt động chủ lực, mang về lãi thuần 361 tỷ đồng, tương đương 94% lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn,.
Lũy kế quý I/2023, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 1,2 triệu tấn thép thô, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt 1,37 triệu tấn, giảm 37% so với 3 tháng đầu năm ngoái.
Trong quý đầu năm, thép xây dựng đạt 869 nghìn tấn, giảm 35%. Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu thị phần thép xây dựng với 34%. Bán hàng thép cuộn cán nóng đạt 482 nghìn tấn tương đương trên 60% so với cùng kỳ năm trước. Hòa Phát cũng cung cấp trên 26.000 tấn phôi thép cho các nhà máy cán thép khác của Việt Nam. Bên cạnh thị trường trong nước, Hòa Phát đã xuất khẩu thép xây dựng tới gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ khắp thế giới. HRC của Hòa Phát nhận được nhiều đơn đặt hàng từ khu vực châu Á, châu Âu.
Sản phẩm ống thép, tôn mạ đã cung cấp cho thị trường trong 3 tháng vừa qua lần lượt là 160.000 tấn và 69.000 tấn, giảm lần lượt 23% và 34% so với 3 tháng đầu năm 2022. Thị phần ống thép Hòa Phát lớn nhất cả nước, trong khi đó sản phẩm tôn mạ nằm trong Top 5.
Trong mảng nông nghiệp, trứng gà Hòa Phát hiện dẫn đầu về sản lượng tiêu thụ tại phía Bắc; các trang trại chăn nuôi heo giữ quy mô đàn nhằm cung ứng cho thị trường. Mảng bất động sản đang tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý đối với các dự án bất động sản khu đô thị, đồng thời triển khai mở rộng Khu công nghiệp Yên Mỹ II.
Về điện máy gia dụng, Hòa Phát triển khai mở rộng sản xuất, bán hàng đa kênh. Trong đó, Tập đoàn đã hoàn thành và đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất tủ lạnh, tủ đông công suất 375.000 sản phẩm/năm tại Khu công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm là 150.000 tỷ đồng doanh thu, 8.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Trong thời gian tới, Hòa Phát sẽ điều tiết sản xuất theo tình hình thị trường, tập trung phát triển các loại thép chất lượng cao, sẽ dồn nguồn lực thực hiện dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, đồng thời khôi phục sản lượng sản xuất thép tại Hải Dương và Quảng Ngãi tùy theo nhu cầu thị trường đảm bảo tồn kho hợp lý.
Trong lĩnh vực bất động sản, Hòa Phát sẽ vừa triển khai những khu công nghiệp đang có, vừa mua lại hoặc xin mới để mở rộng 4 - 6 khu nữa, đến năm 2030 sẽ có 10 khu công nghiệp, bao gồm cả các khu hiện có. Đối với mảng dự án nhà ở - khu đô thị, Tập đoàn Hòa Phát sẽ tập trung phát triển các đại đô thị, đóng góp vào quá trình đô thị hóa các khu dân cư hiện hữu của địa phương.
|
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (ảnh: Internet). |
Tài sản tỷ phú Trần Đình Long "phình to"
Sự trở lại của Hoà Phát với việc báo lãi gần 400 tỷ trong quý I/2023 cũng tác động đến cổ phiếu. Với thị giá HPG đóng cửa phiên cuối tháng 4 ở mức 21.650 đồng/cp, "vua thép" Trần Đình Long bỏ túi thêm 4% tài sản và nắm chắc vị trí người giàu thứ 2 thị trường chứng khoán.
Trước đó, trong hai tuần đầu năm mới 2023, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long ghi nhận tài sản tăng thêm 200 triệu USD lên 1,7 tỷ USD theo tính toán của Forbes nhờ cổ phiếu HPG tiếp tục tăng giá khi khối ngoại dồn dập mua vào.
Diễn biến này phản ánh sự tích cực của cổ phiếu đầu ngành thép. Chỉ vài tháng trước, cổ phiếu ngành thép lao dốc, sụt giảm sâu. Ông Trần Đình Long mất danh hiệu tỷ phú, tài sản xuống quanh ngưỡng 900 triệu USD hồi giữa tháng 11/2022 khi cổ phiếu xuống gần 12.000 đồng/cp.
Hồi tháng 3/2022, tài sản của ông Trần Đình Long còn ở mức rất cao là 3,2 tỷ USD, khi giá cổ phiếu HPG ở gần ngưỡng 40.000 đồng/cp. Cổ phiếu HPG đạt đỉnh ở mức trên 44.000 đồng/cp hồi tháng 10/2021. Sau khi rớt xuống đáy hơn 2 năm, cổ phiếu HPG hồi phục mạnh từ nửa cuối tháng 11/2022 và tới giữa tháng 1/2023 đã lên ngưỡng 20.000 đồng/cp.
Cổ phiếu ngành thép, đặc biệt HPG, đảo chiều ngoạn mục nhờ sự trở lại mua ròng mạnh của khối ngoại và hoạt động bắt đáy của các nhà đầu tư trong nước. Tính tới 13/1, nhóm các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng cổ phiếu HPG phiên thứ 16 liên tiếp, trị giá hơn 3.000 tỷ đồng.
Hết quý I/2023, khối tài sản của ông Trần Đình Long tăng thêm 4.245 tỷ đồng lên 31.539 tỷ đồng. Đồng thời, ông Long cũng là vị đại gia sở hữu khối tài sản "phình to" nhất. Hiện Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long vẫn là cổ đông lớn nhất của Hòa Phát với tỷ lệ sở hữu 26,08%. Tính chung cả gia đình ông Long, tỷ lệ nắm giữ đạt trên 35% số cổ phiếu có quyền biểu quyết toàn tập đoàn.
Còn theo tính toán của Forbes, so với hồi tháng 11/2022 thời điểm cổ phiếu HPG xuống đáy thì hiện tại, tài sản của tỷ phú Trần Đình Long đã tăng 100%, thêm khoảng 900 triệu USD, lên mức 1,8 tỷ USD .
Liên Hà Thái (t/h)