Hoang mang vì sâm tiền tỷ 'quốc bảo' bán tràn lan trên mạng

Google News

Sâm Ngọc Linh đã có thương hiệu nên giá sâm củ được bán khá đắt, đến vài chục triệu đồng/1kg sâm củ tươi.

Vì vậy, hiện nay, sâm Ngọc Linh giả đang bị một số đối tượng trộn lẫn với sâm Ngọc Linh thật rao bán trên mạng xã hội khiến người dân không biết đâu là thật, đâu là giả.

Họ mong muốn ngành chức năng cần có sự kiểm soát, quản lý, xử lý nghiêm để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh.

“Ma trận” sâm Ngọc Linh thật-giả

Sâm Ngọc Linh chỉ có ở vùng núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam, đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận là “Quốc bảo”. Nhận thấy tiềm năng, lợi thế của việc phát triển dược liệu trên địa bàn, ngày 2/3/2018, Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU và tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XI phê duyệt Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, xác định sâm Ngọc Linh là loại dược liệu đặc biệt quan tâm phát triển.

Hoang mang vi sam tien ty 'quoc bao' ban tran lan tren mang

Bạt ngàn diện tích sâm Ngọc Linh đang phát triển dưới tán rừng ở Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: P.N

Cho đến nay, theo thống kê, toàn tỉnh Kon Tum đã phát triển được khoảng 600 ha sâm Ngọc Linh, trong đó tập trung  chủ yếu ở Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum (gần 600 ha) và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô có hơn 13ha. Diện tích còn lại chủ yếu của người dân 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei tự trồng dưới những tán rừng.

Đến nay, gần như sâm Ngọc Linh vẫn chưa bán ra thị trường (kể cả doanh nghiệp và người dân). Chỉ có Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum có cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Còn sâm củ thì công ty này cũng chỉ bán khi có khách hàng đặt nhưng số lượng cũng hạn chế.

Sâm Ngọc Linh là một trong những sản phẩm chủ lực, đặc hữu, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao của tỉnh và đã được cấp chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm củ. Tuy nhiên, hiện nay, việc buôn bán sâm và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc xuất xứ, buôn bán sâm giả đang diễn ra phức tạp. 

Nhiều cá nhân rao bán sâm Ngọc Linh trên các mạng xã hội facebook, zalo…và luôn khẳng định là sâm Ngọc Linh rừng tự nhiên, trong khi đó, hiện nay sâm Ngọc Linh tự nhiên rất hiếm.

Theo ngành chức năng, những cây giống, sản phẩm gọi là sâm Ngọc Linh bán trôi nổi ngoài thị trường thì có đến 70-80% là hàng giả. Hiện nay, cây tam thất có hình dạng bên ngoài rất giống nên hay được lấy để giả là sâm Ngọc Linh. 

Giữa củ, hạt, cây sâm giả với củ, hạt, cây sâm Ngọc Linh thật thì phải là người trồng có kinh nghiệm mới phân biệt được, người bình thường nhìn qua khó mà biết. Thứ duy nhất khác biệt là hàm lượng chất dinh dưỡng trong củ, mà muốn biết được hàm lượng saponin thì phải đi kiểm nghiệm.

Là phóng viên, đi đến đâu tôi cũng nhận được ý kiến của người dân trong tỉnh rỉ tai bàn tán: Vinh dự được sống ở mảnh đất Kon Tum - nơi có “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh, thế nhưng cho đến nay, cũng không dám bỏ tiền ra mua lạng sâm tươi, bởi chẳng biết đâu là thật, đâu là giả. Không khéo lại “tiền thật mua hàng giả”.

Ông Nguyễn Văn Hoàng - ở phường Quang Trung (thành phố Kon Tum) cho hay: Sâm Ngọc Linh thì phải trồng từ  6-7 năm trở lên mới có thể bán mà hiện nay, trên các trang mạng xã hội nhiều người rao bán sâm Ngọc Linh tràn lan thế. 

Lướt trên các trang mạng facebook, zalo thấy hình ảnh quảng cáo sâm Ngọc Linh đủ các loại, to có, nhỏ có và đều khẳng định là hàng thật, hàng rừng mới về…Tôi không có kinh nghiệm nên không nhận biết được củ nào là giả, củ nào là thật. Nhiều khi tôi muốn mua một hai củ về dùng khi mệt mỏi nhưng cảm thấy hoang mang, lo lắng, sợ mua phải hàng giả.

“Nếu cứ để tình trạng giả sâm Ngọc Linh bán ra thị trường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu, giá trị của Sâm Ngọc Linh. Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng, mà còn làm ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng thương hiệu và sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh. Vì vậy, tôi đề nghị ngành chức năng cần có giải pháp bảo vệ”- ông Hoàng nêu quan điểm.

Làm gì để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh?

Thực tế tại huyện Tu Mơ Rông - thủ phủ của sâm Ngọc Linh, chúng tôi nhận thấy chính quyền huyện Tu Mơ Rông đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân ngoài việc phát triển diện tích sâm Ngọc Linh cũng cần tích cực tham gia bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Theo ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tình trạng sâm Ngọc Linh giả trà trộn vào địa bàn để bán kiếm lời cũng chỉ nghe “bàn tán” các đơn vị chức năng chưa phát hiện được vụ việc bán sâm giả nào trên địa bàn. Tuy nhiên, việc phát hiện cũng không hề đơn giản bởi thiếu các chế tài, quy định cụ thể.

Ông Nguyễn Hải Nam - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho hay, năm 2017, khi rộ lên thông tin có sâm củ Ngọc Linh giả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với huyện kiểm tra đột xuất 2 đơn vị trồng sâm và một số hộ dân trồng sâm trên địa bàn và đã lấy mẫu đi kiểm nghiệm nhưng được xác định đều là sâm Ngọc Linh.

Cũng theo ông Nam, do chưa có các chế tài, quy định cụ thể đối với sâm Ngọc Linh nên việc kiểm tra, quản lý, giám sát gặp không ít khó khăn. Hiện nay, chính quyền huyện Tu Mơ Rông cũng chủ yếu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân phát triển diện tích sâm Ngọc Linh cần lấy giống ở các đơn vị được tỉnh công nhận. 

Đồng thời, ngành chức năng chủ động phát hiện, ngăn chặn và báo tin người có hành vi mua bán sâm Ngọc Linh giả cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để xử lý.

Theo ông Lê Tuấn - Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh Kon Tum, hiện nay, với sâm Ngọc Linh, cơ sở pháp lý phục vụ công tác quản lý, xử lý chưa có nên rất khó trong công tác kiểm tra, kiểm soát. Qua kiểm soát hàng hóa thì, hiện chưa có đơn vị bán sâm Ngọc Linh củ trên thị trường.

Để bảo vệ cho thương hiệu sâm Ngọc Linh, ngoài việc cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng buôn bán sâm Ngọc Linh giả trên địa bàn thì cũng cần có các biện pháp xử phạt nghiêm đối với trường hợp cố tình lợi dụng thương hiệu sâm  Ngọc Linh để buôn bán, kiếm lời. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu để họ phát hiện và ngăn chặn kịp thời những trường hợp buôn bán sâm giả. 

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum vừa tổ chức họp báo công bố chỉ dẫn địa lý logo cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh Kon Tum được các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trồng tại địa bàn 9 xã của 2 huyện Tu Mơ Rông và huyện Ðăk Glei. Theo quy định, sản phẩm sâm củ Ngọc Linh khi đưa ra thị trường tiêu thụ phải có ít nhất từ 6 năm tuổi trở lên, có hàm lượng saponin đủ tiêu chuẩn. Ðây cũng là việc làm nhằm để bảo vệ cho thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Theo Báo Kon Tum