Thừa Thiên Huế đạt nhiều kết quả tích cực
Theo số liệu công bố của Tổng Cục Thống kê ngày 27/11/2023, Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 của tỉnh Thừa Thiên Huế ước đạt 7,03%, chưa đạt kế hoạch đề ra từ 9-10%; trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,12%; khu vực dịch vụ tăng 8,64%; khu vực nông nghiệp tăng 5,88%; khu vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,94%, xếp thứ 28/63 tỉnh/thành cả nước và 09/14 tỉnh/thành trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; cao hơn bình quân cả nước (ước đạt 4,7-5,8%).
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 73.230 tỷ đồng (giá hiện hành), GRDP bình quân đầu người ước đạt 62,6 triệu đồng (2.665 USD/người), tăng 9,5% so cùng kỳ. Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng: Nông nghiệp chiếm 10,9%, công nghiệp và xây dựng chiếm 32,6%; dịch vụ chiếm 48% (thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 8,5%).
|
Du lịch Huế phục hồi mạnh mẽ |
Trong đó, ngành du lịch đã phục hồi mạnh mẽ, tổng lượng khách du lịch cả năm tăng mạnh ước đạt 3,2 - 3,3 triệu lượt khách, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra; trong đó, khách du lịch nội địa chiếm khoảng 75% tổng lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt từ 7.000 - 8.000 tỷ đồng.
Tỷ lệ giải ngân đầu tư công của Tỉnh trên kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao trong 10 tháng đầu năm đạt 92% kế hoạch, xếp thứ 04/63 tỉnh thành cả nước. Dự kiến giải ngân cả năm kế hoạch vốn 2023 giao đầu năm là 5.697,993 tỷ đồng/5.923,257 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch.
6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 6,51%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước, xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 8/14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu trong 5 tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 4.950 tỷ đồng, bằng 49,9% dự toán.
Cuối tháng 11/2023, Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, GDP quý IV/2023 ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước. GDP cả năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,87% và 2,55% của các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023.
GDP Hà Nội tăng 6,27%
Cục Thống kê Hà Nội cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố năm 2023 tăng 6,27% so với năm 2022 (quý I tăng 5,81%; quý II tăng 5,91%; quý III tăng 6,22%; quý IV tăng 7%).
Khu vực dịch vụ năm 2023 tăng 7,26% so với năm trước (quý I tăng 7,66%; quý II tăng 6,51%; quý III tăng 6,92%; quý IV tăng 7,85%), đóng góp 4,69% vào mức tăng GRDP. Trong đó, một số ngành tăng trưởng khá, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế: Hành chính và dịch vụ hỗ trợ (bao gồm du lịch, lữ hành) tăng 16,33%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 15,39%; bán buôn, bán lẻ tăng 10,48%; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 7,77%; vận tải, kho bãi tăng 7,7%.
|
Hà Nội hoàn thành nhiều mục tiêu chủ chốt của năm 2023 |
Khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2023 tăng 5,29% so với năm trước (quý I tăng 2,39%; quý II tăng 5,75%; quý III tăng 5,32%; quý IV tăng 6,64%), đóng góp 1,18% vào mức tăng GRDP. Hoạt động sản xuất công nghiệp năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do suy giảm của thương mại toàn cầu, các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực giảm sút, sức tiêu thụ tại thị trường trong nước chậm, chi phí đầu vào tăng cao gây áp lực lên sản xuất. Tính chung cả năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 3% so với năm 2022, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,6%; chỉ số tiêu thụ tăng 3,3%.
Đáng lo ngại, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2023 gặp nhiều bất lợi vì hầu hết các thị trường xuất, nhập khẩu lớn và truyền thống của Hà Nội giảm sút. Từ quý IV, tình hình cải thiện hơn nhưng nhìn chung vẫn còn khó khăn. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả năm 2023 đạt 54,4 tỷ USD, giảm 6,4% so với năm trước; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 16,7 tỷ USD, giảm 2,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 37,7 tỷ USD, giảm 8,1%.
Tính chung cả năm 2023, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 9,3% so với năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 11,5%.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năm 2023, thành phố thu hút 2.943 triệu USD, trong đó, đăng ký cấp mới 408 dự án với số vốn đạt 441 triệu USD; 175 dự án bổ sung tăng vốn với 307 triệu USD; 326 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, đạt 2.195 triệu USD.
Năm 2023, trên địa bàn Hà Nội có 31,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,3% so với năm trước; vốn đăng ký đạt 346,6 nghìn tỷ đồng, tăng 5%; hơn 8,9 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 8%; 21,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 33%; thực hiện thủ tục giải thể cho 3,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 2%.
Thành phố Hồ Chí Minh duy trì được mức tăng
Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2023 của UBND TP Thành phố Hồ Chí Minh, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP 10 tháng năm 2023 giảm 8,1% so với cùng kỳ, trong khi đó ước tính chi ngân sách địa phương tăng 37,3% so với cùng kỳ (chi đầu tư tăng 31,7% và chi thường xuyên tăng 9,4%).
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 10 tháng đầu năm 2023 tăng 3,7% so với cùng kỳ. Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,3%. Trong đó, ngành hóa dược tăng 19,2%; ngành cơ khí tăng 7,4%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng 6,0%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 6,0%.
|
TP Hồ Chí Minh duy trì được mức tăng |
Có 9/23 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cấp II có chỉ số tiêu thụ tăng. Một số ngành tăng cao như sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 77,3%, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 68,6%, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 29,9%.
10 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP Hồ Chí Minh ước đạt 978.681 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch ước đạt 140.048 tỷ đồng, tăng 32,6% so với năm 2022.
Về tổng thu ngân sách nhà nước đạt 372.708,110 tỷ đồng, đạt 79,35% dự toán và bằng 91,85% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) là 63.894,241 tỷ đồng, đạt 50,57% dự toán, tăng 55,16% so cùng kỳ.
Báo cáo kinh tế xã hội 10 tháng năm 2023 của TP Hồ Chí Minh cho thấy, mặc dù đạt được một số kết quả tích cực, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, thương mại và đầu tư toàn cầu sụt giảm, thị trường xuất khẩu trên địa bàn tiếp tục gặp nhiều khó khăn (lũy kế 10 tháng đầu năm giảm 13,4% so cùng kỳ). Tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức thấp so với mục tiêu đề ra. Chương trình kích cầu đầu tư của TP bị gián đoạn, chưa kịp thời trở thành nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp. Cùng với đó là việc cắt giảm lao động tăng, tạo áp lực lên công tác an sinh xã hội của TP và việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đà Nẵng tăng trưởng thấp nhất
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm nay ước tăng 2,58% so với năm 2022. Mức tăng chung cả năm nay thấp hơn mức tăng bình quân 5,51%/năm của giai đoạn 2021 - 2023.
Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 20.598 tỷ đồng, bằng 87,8% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 85,6% so với năm 2022.
Theo ông Trần Văn Vũ - cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, xét về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, Đà Nẵng xếp thứ 54/63 địa phương, thứ 4/5 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và thấp nhất trong khối 5 thành phố trực thuộc trung ương.
Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, đơn hàng liên tục sụt giảm do sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao buộc các doanh nghiệp cần có thời gian, năng lực để thích nghi.
Ước tính giá trị tăng thêm (VA) toàn khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2023 giảm 2,05% so với năm trước, nhất là xây dựng giảm 8,36%.
Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) ước tăng 2,58% so với năm 2022. Mức tăng này khá thấp so với mục tiêu, kế hoạch năm mà thành phố đặt ra là tăng trưởng 6,5% - 7%.
Trong đó, giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước tăng 4,1%; khu vực nông – lâm – thủy sản ước tăng 1,19%. Riêng khu vực công nghiệp – xây dựng ước giảm 2,05%.
Đối với ngành Công Thương, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2023 ước đạt 68.614 tỷ đồng tăng 6,2% so với năm 2022. Bán lẻ hàng hóa là điểm sáng của kinh tế thành phố khi các biện pháp kiểm soát góp phần ổn định thị trường, không làm giá tăng đột biến sau khi điều chỉnh mức lương cơ sở.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa TP. Đà Nẵng năm 2023 ước đạt gần 3,2 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 1,85 tỷ USD, giảm 12,3% so với năm 2022, kim ngạch nhập ước đạt gần 1,35 tỷ USD, giảm 23,1%.
Xuất khẩu phần mềm là lĩnh vực xuất khẩu tăng trưởng nổi bật trong bối cảnh xuất nhập khẩu Đà Nẵng và thế giới nhiều khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm Đà Nẵng năm 2023 đạt 147,8 triệu USD, tăng 12% so với năm 2023, góp phần tích cực nâng cao tỷ trọng kinh tế số trong GRDP thành phố.
Hải Phòng đứng thứ 5 về tốc độ tăng trưởng
Cục Thống kê Hải Phòng cho biết, GRDP năm 2023 của Hải Phòng tăng 10,34% so với cùng kỳ năm trước kế hoạch tăng (12,7%-13%), đứng thứ 5 cả nước và thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,11%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 11,54%, đóng góp 6,39 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 10,02%, đóng góp 3,57 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,83%, đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
|
Họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội năm 2023 của TP. Hải Phòng.
|
Cơ cấu nền kinh tế năm 2023 trên địa bàn tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 3,4%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 53,34%; khu vực dịch vụ chiếm 37,76%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố năm 2023 ước đạt 102.614,5 tỷ đồng, bằng 98,02% so với dự toán Trung ương giao và bằng 88,12% so với dự toán HĐND giao. Trong đó, thu nội địa ước đạt 42.500 tỷ đồng, bằng 135,66% so với dự toán Trung ương giao và bằng 100% dự toán HĐND; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 58.000 tỷ đồng, bằng 82,98% so với dự toán Trung ương giao và bằng 82,98% so với dự toán HĐND.
Tổng chi ngân sách địa phương năm 2023 ước đạt 36.897,4 tỷ đồng, bằng 130,51% dự toán Trung ương giao và bằng 93,28% so với dự toán HĐND Thành phố giao; chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 34.808,2 tỷ đồng, bằng 129,79% so với dự toán Trung ương giao và bằng 92,88% dự toán HĐND Thành phố.
Năm 2023, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn Thành phố ước đạt 190.641,7 tỷ đồng, tăng 11,24% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực vốn nhà nước có mức tăng cao nhất, tăng 31,36%, chiếm cơ cấu 14,90%; khu vực ngoài nhà nước tăng 8,46%, đây là khu vực có đóng góp nhiều nhất trong mức tăng trưởng chung với cơ cấu chiếm 50,97%; khu vực vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,15% so với cùng kỳ, chiếm cơ cấu 34,13%.
Tính đến ngày 20/12/2023, Hải Phòng xếp thứ hai cả nước với tổng số vốn thu hút là 3,4 tỷ USD, có 933 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 28,9 tỷ USD.
Quy mô kinh tế Cần Thơ gấp 10 lần sau 20 năm
Đến năm 2023, ước giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (giá hiện hành) của TP. Cần Thơ đạt 119.271 tỷ đồng, gấp 10,2 lần so năm 2004. Tổng sản phẩm bình quân đầu người ước năm 2023 đạt 94,74 triệu đồng, gấp 9,2 lần so năm 2004.
Tăng trưởng kinh tế của thành phố duy trì tốc độ tăng mức khá, tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2004 - 2010 (GDP - giá so sánh 1994) tăng bình quân 15,18%/năm; tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP giai đoạn 2011 - ước năm 2023 tăng bình quân 5,64%. Quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, hàng năm đóng góp khoảng 1,2% GDP cả nước và khoảng 9,5% GRDP của vùng ĐBSCL.
Đến năm 2023, ước giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (giá hiện hành) đạt 119.271 tỷ đồng, gấp 10,2 lần so năm 2004 và gấp 3,8 lần so năm 2010.
Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP/người) ước năm 2023 đạt 94,74 triệu đồng, gấp 9,2 lần so năm 2004.
Kết quả phát triển các ngành, lĩnh vực có nhiều tiến bộ. Thương mại - dịch vụ phát triển nhanh, đa dạng, giữ vai trò chủ lực trong cơ cấu GRDP, từng bước tạo lập vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL.
Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ở Cần Thơ luôn đứng đầu khu vực ĐBSCL và đứng thứ 3 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương (sau TP.HCM và Hà Nội), tăng từ mức 8.344 tỷ đồng năm 2004 lên 107.767 tỷ đồng năm 2019, gấp 12,9 lần so năm 2004, tăng bình quân 19%/năm. Ước năm 2023 đạt 125.710 tỷ đồng.
Đến nay, thành phố xuất khẩu hàng hàng trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ngoại tệ năm 2004 đạt 317,7 triệu USD tăng lên 1.375,6 triệu USD năm 2015, và ước đạt 2.211 triệu USD năm 2023; tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2004- 2023 tăng bình quân 11,5%.
Kim ngạch nhập khẩu đạt 265,4 triệu USD vào năm 2004 và ước năm 2023 đạt 537 triệu USD.
Giai đoạn 2004 - 2023, thành phố đón hơn 71 triệu lượt khách tham quan, du lịch tăng 14%/năm; khách lưu trú hơn 28 triệu lượt, tăng bình quân 16,7%/năm; tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 34 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân 25,5%/năm.
Minh Châu (t/h)