KĐT Nam Vũng Tàu 4.600 tỷ: Ông Đặng Thành Tâm “ôm” nhiêu dự án BĐS?

Google News

(Kiến Thức) - Ông Đặng Thành Tâm bắt tay vào thị trường bất động sản với hàng loạt dự án nghìn tỷ như: Khu công nghiệp Quế Võ, dự án KCN Tân Phú Trung, dự án KCN Quang Châu…

Anh em đại gia Đặng Thành Tâm rót nghìn tỷ "hồi sinh" dự án một thời của Petroland?
Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã ban hành quyết định phê duyệt liên danh Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn - Công ty cổ phần Xây dựng Sài Gòn - Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Saigontel - SCC - KBC) của anh em ông Đặng Thành Tâm thực hiện dự án Khu đô thị mới Nam Vũng Tàu.
Dự án này có diện tích 69,46ha, tổng mức đầu tư dự kiến 4.620 tỷ đồng. Trước đó, dự án có tên là Khu đô thị mới Dầu khí Vũng Tàu, được giao cho Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland) làm chủ đầu tư.
Dự kiến khởi công năm 2010, nhưng đến năm 2019 vẫn “đắp chiếu” nên cuối năm 2019, dự án đã bị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu hồi. Đầu năm 2020, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã công bố tìm nhà đầu tư mới cho dự án này.
KDT Nam Vung Tau 4.600 ty: Ong Dang Thanh Tam “om” nhieu du an BDS?
 Phối cảnh dự án Khu đô thị mới Nam Vũng Tàu có diện tích 69,46ha, tổng mức đầu tư dự kiến 4.620 tỷ đồng. 
Liên danh Saigontel - SCC - KBC là nhà đầu tư trúng sơ tuyển thực hiện dự án. Trong liên danh này, Saigontel và KBC đều do ông Đặng Thành Tâm (sinh năm 1964, quê Hải Phòng) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Còn với SCC là được sáng lập bởi bà Đặng Thị Hoàng Phượng (sinh năm 1969), là em gái ruột của ông Đặng Thành Tâm.
KBC hiện có tổng cộng 11 Công ty con, đều hoạt động liên quan đến bất động sản, chủ yếu là các chủ đầu tư khu công nghiệp. 
Ông Đặng Thành Tâm “ôm” nhiêu dự án bất động sản?
Theo tìm hiểu của PV, ông Đặng Thành Tâm bắt tay vào thị trường bất động sản với hàng loạt dự án nghìn tỷ. Có thể kể đến một số dự án lớn như: Khu công nghiệp Quế Võ với tổng đầu tư 200 tỷ đồng, dự án Khu công nghiệp Tân Phú Trung tổng vốn đầu tư 2.547 tỷ đồng, dự án Khu công nghiệp Quang Châu tổng mức đầu tư 346 tỷ đồng và Khu công nghiệp Tràng Duệ là 367 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - doanh nghiệp do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch HĐQT, còn rót gần 2.000 tỷ đồng vào dự án Khu công nghiệp và Khu đô thị Tràng Cát - Hải Phòng...
KDT Nam Vung Tau 4.600 ty: Ong Dang Thanh Tam “om” nhieu du an BDS?-Hinh-2
Đại gia Đặng Thành Tâm. (Ảnh: Nhà đầu tư). 
Đầu tháng 1/2020, giới truyền thông đưa tin, Kinh bắc còn chi 1.855 tỷ mua lại dự án Diamond Rice Flower nằm ngay ngã ba Phạm Hùng - Đỗ Đức Dục ngay cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) có quy mô 4,2 ha.
Cụ thể, dự án này được UBND TP Hà Nội giao cho Tập đoàn Kinh Bắc từ năm 2009, sau khi chủ đầu tư cũ là Tập đoàn Riviera (Nhật Bản) rút lui do khó khăn về tài chính.
Ban đầu, Tập đoàn Kinh Bắc dự kiến xây dựng tổ hợp gồm một toà tháp 100 tầng, một tòa cao 80 tầng và một tòa 15 tầng, gồm trung tâm thương mại, vườn treo và khách sạn 6 sao. Tổng mức đầu tư dự kiến là 1 tỷ USD. Thế nhưng, Kinh Bắc sau đó đã xin điều chỉnh quy hoạch thành khu phức hợp, sàn thương mại nhà với 3 tòa, quy mô chiều cao giảm xuống khoảng một nửa.
Đến giữa năm 2017, Tập đoàn Kinh Bắc đã chuyển nhượng dự án sang cho Tân Hoàng Minh. Sau gần 2 năm chuyển nhượng, Công ty của ông Đặng Thành Tâm lại chi 1.855 tỷ để mua lại dự án.
KDT Nam Vung Tau 4.600 ty: Ong Dang Thanh Tam “om” nhieu du an BDS?-Hinh-3
 Phối cảnh dự án Lotus Hotel của KBC.
Bên cạnh đó, ông Đặng Thành Tâm còn tham gia đầu tư dự án Robin - Dalat Resort quy mô khoảng hơn 17,4ha, tại Đà Lạt, Lâm Đồng…
Ông Đặng Thành Tâm được xếp hạng là người giàu nhất ở Việt Nam năm 2007 và giàu thứ ba Việt Nam năm 2008, 2009 và 2010. Năm 2013, ông Đặng Thành Tâm xếp thứ 12 trên bảng xếp hạng 200 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, với tổng tài sản 1239 tỷ đồng..
Ông Tâm sở hữu tỷ lệ lớn bốn Công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán là Kinh Bắc City (KBC), Navibank (NVB), Saigontel (SGT) và Khoáng sản Sài Gòn - Bình Định (SQC). Trong đó có hai Công ty do ông Tâm trực tiếp điều hành là Công ty phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) và Công ty cổ phần Công Nghệ Viễn Thông Sài Gòn (SGT).

Khánh Hoài (tổng hợp)