Kế hoạch lên sàn ngoại của CEO Vietjet Air có dễ?

Google News

Trước Vietjet Air, nhiều tên tuổi lớn như Vinamilk, HAGL, Kido... từng không thành công khi đang thực hiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn ngoại.

Nhiều đại gia bỏ dở giữa chừng
Chia sẻ với Bloomberg, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết VietJet Air đang đàm phán để cổ phiếu của công ty có thể niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.
Trước đó, năm 2016, Vietjet đã từng phải hoãn kế hoạch phát hành ở Singapore hoặc Hồng Kông bởi những vấn đề liên quan thủ tục pháp lý.
Năm 2011, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã phải huỷ niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) do gặp nhiều thủ tục giữa Trung tâm lưu ký Việt Nam và Singapore cũng như đối mặt với những điều kiện về cổ đông khác nhau.
Năm 2012, một tên tuổi khác cũng phải rời sàn SGX là Hoàng Anh Gia Lai. Tập đoàn này đã huỷ niêm yết trái phiếu trị giá 90 triệu USD trên sàn giao dịch chứng khoán Singapore. Việc rời bỏ sàn ngoại được HAG lý giải là do số lượng trái chủ nắm giữ trái phiếu quốc tế của HAG không nhiều và có ít giao dịch được thực hiện. Theo tính toán của HAG, việc hủy niêm yết trái phiếu quốc tế ở SGX sẽ giúp HAG tiết kiệm được thời gian và chi phí.
Muốn xuất ngoại phải nới cơ cấu cổ phần
Dù việc niêm yết cổ phiếu ở thị trường nước ngoài mang lại nhiều giá trị lớn cho doanh nghiệp song hiện tại, rất ít doanh nghiệp Việt gọi vốn quốc tế thành công bởi những điều kiện khắt khe của các sàn chứng khoán quốc tế.
Quy định về giới hạn tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đối với các ngân hàng thương mại cổ phần là 30%. Còn với các công ty đại chúng/niêm yết hiện là 49%. Việc quy định giới hạn tỷ lệ vốn của các NĐTNN trong các công ty niêm yết buộc các tổ chức phát hành khi niêm yết chứng khoán ra nước ngoài phải thiết lập một phạm vi huy động vốn nằm trong giới hạn tỷ lệ sở hữu này.
Ke hoach len san ngoai cua CEO Vietjet Air co de?
Vietjet Air của CEO Nguyễn Thị Phương Thảo có thể lên sàn nước ngoài? 
Và cũng làm phát sinh nhu cầu của các NĐTNN theo đó yêu cầu tổ chức phát hành Việt Nam phải cung cấp cam kết duy trì phạm vi sở hữu nước ngoài nói trên để đảm bảo rằng họ có thể tự do bán chứng khoán của mình cho bất kỳ NĐTNN nào khác mà không phải gánh chịu rủi ro pháp lý vi phạm tỷ lệ tham gia góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN. Mặt khác, giới hạn về tỷ lệ vốn góp trong công ty đại chúng/niêm yết cũng sẽ giảm sự hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn ở nước ngoài đối với chứng khoán của doanh nghiệp Việt Nam được niêm yết vì họ có thể không có khả năng thâu tóm công ty vì không nắm quá bán vốn của công ty niêm yết.
Liên quan tới điều này, mới đây, Vietjet Air cũng được sự đồng thuận của cổ đông về việc nới room cho khối ngoại từ 30% lên 49%, nên sẽ tìm kiếm nhiều cơ hội trên các sàn quốc tế.
Song việc tăng sở hữu nước ngoài cần phải được Thủ tướng chấp thuận, vì ngành hàng không được coi là ngành công nghiệp hạn chế, với giới hạn hiện tại là 30%.
Chuẩn mực tài chính khắt khe
Một trong những thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp trong nước có tham vọng niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài hiện nay chính là tiềm lực tài chính và tính minh bạch trong báo cáo tài chính.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay phải áp dụng hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Tuy nhiên, khi tham gia vào các giao dịch xuyên biên giới, bao gồm niêm yết chứng khoán, các báo cáo kế toán của doanh nghiệp theo chuẩn VAS hầu như không được các quốc gia trên thế giới công nhận vì có nhiều sự khác biệt giữa chuẩn VAS và các chuẩn mực được nhiều quốc gia công nhận như chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS), tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) hoặc phù hợp với các quy tắc kế toán chung của Hoa Kỳ (US GAAP).
Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải mất thời gian và chi phí để làm lại toàn bộ các sổ sách kế toán phù hợp với chuẩn kế toán quốc tế trước khi niêm yết ra nước ngoài.
Về tiềm lực tài chính, một doanh nghiệp muốn niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) sẽ phải đáp ứng được các điều kiện như vốn hóa thị trường tại thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) phải đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất tích lũy trong 3 năm liền trước đạt ít nhất là 7,5 triệu đôla Singapore (SGD), với lợi nhuận trước thuế hợp nhất mỗi năm không dưới 1 triệu SGD, có kiểm toán theo tiêu chuẩn của Singapore hoặc Mỹ. Đồng thời, mức vốn hóa tối thiểu là 80 triệu SGD tại thời điểm phát hành ra công chúng lần đầu tiên.
Trong trường hợp mức vốn hóa thấp hơn 300 triệu SGD, thì 25% số cổ phần phát hành phải được ít nhất 1.000 cổ đông nắm giữ sau khi chào bán. Đối với mức vốn hóa trên 300 triệu SGD, thì sự phân bố cổ phần có thể khác nhau ở mức 12% đến 20%.
Với sàn chứng khoán NewYork (NYSE), doanh nghiệp muốn lên sàn có ít nhất 5.000 cổ đông, 2,5 triệu cổ phiếu công, 100 triệu USD tổng lợi nhuận trước thuế trong 3 năm gần nhất.
Theo Hoàng Thắng/Dân Việt