Bước vào tháng 6 âm lịch, nước sông chuyển màu thao thiết đổ về phía hạ lưu. Đây cũng là mùa chộn rộn với những đàn cá non kéo theo những nghề giăng bắt cá trên sông như cất vó, quây lưới, đóng đáy…trước khi các hoạt động này chuyển lên những cánh đồng bắt đầu no nước.
|
Vớt cá linh non ở huyện Tịnh Biên (An Giang) đầu mùa lũ năm 2015. Ảnh: Lê Gia Bảo (Danviet). |
Đứng đầu danh sách với số lượng áp đảo chính là cá linh, nhưng ở miệt An Giang ngày xưa còn có nghề chuyên đi vớt cá tra non để cung cấp cho những người nuôi cá hầm.
Cá tra cũng như cá bông lau trong họ cá da trơn có tập tính di lưu sinh sản, chúng bơi ngược dòng về thượng nguồn sinh sản, để rồi khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch xuôi theo con nước tìm ra các cửa sông giáp biển để sinh sống, lớn lên khi trưởng thành lại bắt đầu vòng đời di chuyển mới.
Cũng như cá linh thì các loài cá tra vốn còn rất nhỏ nên thức ăn giai đoạn này chủ yếu là các vật phù sinh, chúng bám theo các bọt nước nổi đầy trên sông và cứ thế vừa bơi, vừa lớn lên từng ngày. Cá còn rất nhỏ và mua bán với số lượng lớn nên người ta tính theo từng lon.
Việc vớt cá bằng lưới rất dễ dàng, vì tập quán đi theo từng đàn với số lượng lớn. Nếu cá linh người ta ăn chúng giai đoạn càng non càng ngon, thì các loại cá da trơn thường ngon thịt khi chúng đã lớn.
|
Cá linh non đầu mùa lũ ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ảnh: Lê Gia Bảo (Danviet). |
Tuy nhiên, có loại cá dứa lại đặc biệt được ưa thích lúc chúng mới tầm khoảng 2- 3 ngón tay đổ lại. Tôi nhớ, hồi đó chỉ cần đi kéo lưới cặp các bãi sông, bãi cát bên các cù lao chỉ cần trúng một đàn cá dứa là đủ ôm lưới, đội thau về.
Cá còn nhảy xoi xói bắt ngay lên chế biến nấu canh chua hay kho tộ thịt thơm ngon vô cùng. Còn cái cách ăn của người dân miền sông nước mới ấn tượng làm sao,
Người ta cầm đầu cá rồi dùng đũa vuốt xuống toàn bộ thịt cá bong ra chỉ còn lại xương rồi và một miếng cơm với cả một con cá, tăng cường trái dưa leo, hay đậu rồng chấm vào ơ cá kho nhai ràu rạu, ta nói nó đủ đưa ta đạt đến sự ngập tràn khoái khẩu.
|
Câu cá dứa trên sông ở Trà Vinh. Ảnh: P.V.Đ (Giaoducso). |
Cá nhiều vô kể làm sao mà đánh bắt hết, những đàn cá dứa tiếp tục hành trình về dưới vùng nước lợ nơi có minh thiên những rừng mắm, rừng bần đây là những loại trái ưa thích nuôi chúng lớn lên trong tự nhiên thịt cá trở nên ngon ngọt vô cùng.
Ngày nay, cá dứa cũng như một số loại cá đặc sản khác của sông Mekong đã được cho sinh sản và thích nghi được trong môi trường nuôi nhốt, nên những năm gần đây muốn ăn cá dứa mùa nào cũng có.
Cái tiện lợi ấy giúp lưu giữ được những nguồn gien thủy sản quý hiếm trong thiên nhiên, nhưng ngược lại chúng ta không còn cái cảm giác khắc khoải chờ trông những mùa cá như ngày xưa.
Theo Ngọc Trảng /Báo Vĩnh Long