Đi dọc tuyến đường Trần Phú (Hà Đông) trước cửa Học viện An Ninh, hoặc trên đường Xã Đàn (Đống Đa), Nguyễn Xiển (Thanh Xuân),... không khó có thể bắt gặp những gánh hàng rong sử dụng biển quảng cáo "lừa tình" nhằm đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng. Họ viết tay trên những nắp thùng xốp hoặc những tờ các-tông để quảng cáo giá bán sản phẩm.
|
10.000 đồng/1/2kg ổi nhưng 1/2kg được che chắn rất cẩn thận. (Ảnh: Việt Vũ) |
Tuy nhiên, thay vì sử dụng đơn vị thông dụng là 1kg, các gánh hàng rong lại chọn đơn vị số lẻ là 1/2 kg để quảng cáo, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn. Ví dụ, trên thị trường hiện tại, giá bán của 1kg vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) là 30.000 – 35.000 đồng/kg. Thay vì sử dụng đơn vị kg, các gánh hàng rong tại đường Trần Phú lại sử dụng chiêu thức 15.000 đồng/1/2 kg để đánh lạc hướng người tiêu dùng.
Điều đặc biệt, các gánh hàng rong này rất biết cách che chắn số ..../2 vào những chỗ khuất bóng, khiến nhiều người tưởng răng 15.000 đồng/1kg.
Chị Nguyễn Ánh Tuyết (Hà Đông) bức xúc: “Hôm qua, mình có mua một cân vải tại đây, lúc đầu tưởng họ bán rẻ thật nhưng ai ngờ mình bị lừa. Nếu nhìn thoáng qua, cứ tưởng 15.000 đồng/kg, minh khá bất ngờ vì sao giá vải lại rẻ như thế, hay do cuối mùa nên rẻ. Tuy nhiên, khi cân đo đong đếm xong, mình mới tá hỏa khi người bán thông báo thực chất 15.000 đồng chỉ được nửa cân. Trên biển quảng cáo 15.000 đồng/1/2kg thì số .../2kg lại được che chắn rất cẩn thận, chỉ để lộ số 1 bên trên”
Không chỉ có vải, một số mặt hàng hoa quả khác như: ổi, vú sữa, thanh long,... cũng có những chiêu thức tương tự, song, sử dụng một số hình thức quảng cáo khác nhau. Ví dụ, một gánh hàng rong khác quảng cáo 10.000 đồng/1/2 kg ổi, thì số 1/2 được ghi rất nhạt, trong khi đó, số 2 được tô rất đậm nét.
|
Trong khi đó, "15.000 đồng/1/2 kân" thì số 2 được tô đậm nét, nhìn không kỹ sẽ rất dễ bị nhầm. (Ảnh: Việt Vũ) |
Hoặc, một gánh hàng rong khác bán thanh long, trên biển quảng cáo ghi 15.000 đồng/1..... nửa cân, chữ “nửa” được viết cách xa số 1 phải đến “vài cây số” (?!).
Chị Nguyệt (Hà Đông) chia sẻ: “Mình cũng đã từng bị lừa như thế này, nói chung tưởng rẻ nhưng hóa ra lại đắt. Lúc họ cho vào túi đòi tiền rồi, chẳng nhé mình lại không mua. Đành phải móc hầu bao ra trả thôi”.
“Lúc đó, mình đã định không lấy rồi nhưng người bán hàng nài nỉ mãi nên đành phải lấy”, chị Nguyệt nói.
Trong trường hợp khách hàng có ý định trả hàng lại, người bán hàng rong tiếp tục biện pháp “đe dọa”. Ví dụ, “Chị đã đóng túi ni-long cho em cẩn thận rồi, nay em không mua là như thế nào?”, hoặc, “Em hỏi chán hỏi chê, ăn thử mấy quả của chị rồi, em phải mua hàng cho chị”,....
Thực chất, các biển quảng cáo “lừa tình” đã xuất hiện được một thời gian tại Tp.HCM và mới chỉ manh nha xuất hiện tại Hà Nội. Tuy nhiên, trên thực tế, đã có rất nhiều gánh hàng rong tiếp tục học theo để gây chú ý của người tiêu dùng.
|
Các biển quảng cáo “lừa tình” đã xuất hiện được một thời gian tại Tp.HCM và mới chỉ manh nha xuất hiện tại Hà Nội. (Ảnh: Việt Vũ) |
Trong khi đó, các gánh hàng rong sử dụng biển quảng cáo “lừa tình” cho rằng, “ham rẻ thì gắng chịu”. Một gánh hàng rong tại đường Nguyễn Xiển cho biết, khi có người tiêu dùng hỏi tại sao lại sử dụng đơn vị 1/2kg: “Chúng tôi có lừa ai đâu, bảng ghi rất rõ 1/2kg cơ mà, chỉ là bút hết mực nên số 2 đậm hơn số 1. Thế thôi” (?!).
Người này cho biết thêm: “Chúng tôi bán đúng giá thị trường, không chặt chém, không bán đắt, không sử dụng cân điêu. Tại sao lại nói chúng tôi lừa đảo. Còn nếu muốn không bị lừa thì đi mua hàng nên nhìn thật kỹ vào”.
Vi vậy, để tránh tình trạng dở khóc, dở cười khi đi gặp phải các biển quảng cáo ”lừa tình”, người tiêu dùng nên nhìn thật kỹ các biển quảng cáo.
Theo Việt Vũ/VTC