Cụ thể, theo thông tin từ Trung tâm dịch vụ bán đấu giá (Sở Tư pháp Hà Nội), hôm nay, ngày 1/7 là thời hạn cuối cùng để nộp hồ sơ tham gia đấu giá. Hết ngày 2/7 sẽ kết thúc việc nộp tiền đặt trước để tham gia đấu giá. “Theo lịch, thời gian tổ chức đấu giá vào ngày 4/7”, vị cán bộ Trung tâm cho biết.
Vị cán bộ này cũng cho biết, trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật vừa qua, Trung tâm đã phối hợp với cán bộ, chính quyền thôn Phụ Chính tổ chức cho một số người đăng ký đến xem lượng gỗ sưa sẽ được bán đấu giá.
“Chúng tôi phối hợp với thôn, đưa gỗ sưa ra sân đình, phân ra từng nhóm theo danh sách đã công bố trước đó để khách hàng xem xét theo từng nhóm”, vị này nói.
|
Khách hàng muốn đấu giá lô gỗ sưa ở Hà Nội phải đặt cọc gần 10 tỷ. |
Được biết, số tiền đặt trước để tham gia đấu giá lô gỗ sưa này cũng tăng giảm theo nhóm gỗ được phân loại nói trên. Cụ thể, nhóm đặc biệt phải đặt trước 9,8 tỷ đồng, nhóm 1 phải đặt trước 7,4 tỷ đồng, nhóm 2 là 1,8 tỷ đồng, nhóm 3 là 1,5 tỷ đồng. Khách hàng muốn mua gốc và rễ cây cũng phải đặt trước 1,5 tỷ đồng.
Như đã thông tin, từ giữa tháng 6, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá (Sở Tư pháp Hà Nội) đã thông tin mời đấu giá lô gỗ sưa trăm tỷ thu được từ hai cây sưa đỏ 130 tuổi và 50 tuổi ở thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, Chương Mỹ, Hà Nội).
Theo đó, dự kiến, mức đấu giá gỗ sưa trăm tỷ chia ra làm nhiều mức giá phụ thuộc vào chất lượng gỗ. “Nếu gỗ đường kính to, dài thì mức giá cao hơn. Cụ thể, có các mức giá 32 triệu, 28 triệu, 22 triệu, 15 triệu mỗi kg. Riêng rễ và gốc nhỏ là 6,5 triệu/kg”, lãnh đạo thôn Phụ Chính chia sẻ.
Trước đó ngày 27/1/2019, người dân thôn Phụ Chính đã tiến hành chặt hạ hai cây sưa đỏ sưa đỏ 130 tuổi và 50 tuổi trong khuôn viên chùa Phụ Chính. Năm 2010, thương lái đến trả giá hơn 100 tỷ đồng cho mỗi cây sưa. Trong năm này, người dân cưa một cành cây bán với giá 20,5 tỷ đồng để lấy kinh phí xây đình làng.
Năm 2013, trong lúc mưa bão một nhánh sưa lớn đã bị kẻ trộm lấy đi. Trước hiện tượng mối mọt, người dân nhiều lần đề nghị được bán cây sưa. Tháng 10/2018, Hà Nội có văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng trình tự pháp luật.
Gỗ sưa sau đó được chuyển vào thùng container để ở sân nhà văn hóa, dân làng quây thép B40, lắp camera an ninh xung quanh và cắt cử người thay phiên nhau trông giữ. Số tiền trông giữ được chi trả từ chính tiền bán số gỗ sưa nói trên.
Theo Trường Phong/Tiền Phong