Trao đổi với Plo, ông Đặng Quang Anh - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên, cho hay cơ quan này đã tổ chức bán đấu giá 18 lần khách sạn Cendeluxe Phú Yên tại TP Tuy Hòa của Công ty CP Thuận Thảo.
Cơ quan này đã 17 lần giảm giá đối với khách sạn Cendeluxe Phú Yên, từ hơn 500 tỷ đồng còn 202 tỷ đồng nhưng vẫn không có người đăng ký tham gia đấu giá.
Khách sạn Cendeluxe Phú Yên cao 17 tầng, từng được gắn năm sao, được xem là tài sản lớn nhất của Công ty CP Thuận Thảo. Đây cũng là khách sạn 5 sao đầu tiên ở tỉnh Phú Yên.
Bà Võ Thị Thanh được giao giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của công ty này.
|
Khách sạn Cendeluxe Phú Yên là tài sản lớn nhất của Công ty CP Thuận Thảo. Ảnh: Booking |
CTCP Thuận Thảo tiền thân là đại lý phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến tháng 1/1997 thành lập Doanh nghiệp Vận tải và Thương mại Thuận Thảo.
Tháng 10/2007, Doanh nghiệp Vận tải và Thương mại Thuận Thảo chuyền mô hình thành Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Thuận Thảo. Đến 28/12/2009, Công ty chuyển đổi thành mô hình Công ty Cổ phần và lấy tên gọi là Công ty Cổ phần Thuận Thảo.
Công ty phát triển nhanh chóng, trở thành biểu tượng của tỉnh Phú Yên khi tiên phong tạo nên nhiều cái “đầu tiên”. Siêu thị tư nhân đầu tiên tại Phú Yên, bến xe khách tư nhân đầu tiên của Việt Nam… cũng nhờ đó bà Thanh được ví như “bông hồng vàng” Phú Yên.
Tuy nhiên, từ khi bước chân vào lĩnh vực bất động sản, đầu tư dàn trải vào nhiều dự án, khiến Thuận Thảo nợ nần chồng chất hàng nghìn tỷ đồng.
Năm 2008, đánh dấu bước đi chập chững của Thuận Thảo trong lĩnh vực bất động sản bằng thực hiện dự án xây dựng khu Thuận Thảo Land và khách sạn 5 sao CenDeluxe 17 tầng mang đẳng cấp quốc tế với tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng.
Thế nhưng, CenDeluxe Hotel được coi là nguyên nhân chính gây nên tình trạng sử dụng vốn vay quá lớn và kéo tỷ suất lợi nhuận của Thuận Thảo trong giai đoạn xây dựng xuống mức rất thấp.
Bên cạnh các dự án bất động sản tại quê nhà, “bông hồng vàng” Phú Yên – Võ Thị Thanh còn tham vọng mở rộng ra các thành phố lớn như TP.HCM, Đà Nẵng...Tại TP.HCM, Công ty Thuận Thảo thành lập Công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn để thực hiện các dự án bất động sản tại huyện Bình Chánh.
Tiếc thay, kỳ vọng trở thành tập đoàn của Công ty Thuận Thảo đã nhanh chóng sụp đổ khi ngành du lịch Phú Yên không có sự đột phá, đặc biệt khi thị trường bất động sản bước vào thời kỳ khủng hoảng.
Theo thông báo mới nhất vào ngày 18/5 của Cục thuế tỉnh Phú Yên, đến cuối tháng 4/2021, CTCP Thuận Thảo còn nợ 165,8 tỷ đồng tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp thuế. Và do CTCP Thuận Thảo nợ thuế dây dưa nên từ cuối tháng 2/2017, Cục thuế tỉnh Phú Yên đã phải áp dụng biện pháp huỷ bỏ giá trị sử dụng hoá đơn của doanh nghiệp này.
Trước đó, CTCP Thuận Thảo đã bị hai tổ chức tín dụng là Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tại Hà Nội và VietinBank Phú Yên khởi kiện ra tòa đòi nợ gốc và lãi cả ngàn tỷ đồng.
Theo Cục Thi hành án dân sự Phú Yên, Công ty Thuận Thảo còn phải trả hơn 1.075 tỷ đồng cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam do Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam bán nợ trong các hợp đồng tín dụng. Trong đó, nợ gốc 625 tỷ đồng, còn lại là nợ lãi.
Hoàng Minh