Theo phản ánh của anh TTC (trú Hà Nội), tối 2/8, anh cùng bạn ngồi nhậu ở một quán trên đường Láng Hạ, quận Đống Đa. Khoảng 1 giờ sáng 3-8, khi cả hai cùng ra về, do cảm thấy lái xe không an toàn nên anh C. chủ động tìm chỗ gửi xe máy để bắt taxi. Sau một hồi vòng vo tìm chỗ nhưng không được, anh C. đã vào khách sạn Fortuna.
Gửi xe một đêm, nộp 1 triệu đồng
Lúc này, anh C. được một bảo vệ cho biết nếu gửi xe mà không sử dụng dịch vụ của KS thì sẽ bị thu tiền. Vì khá mệt nên anh này chấp nhận rồi bắt taxi về nhà. Tuy nhiên, ngỡ tưởng vài chục hoặc 100.000 đồng nhưng khi quay lại lấy xe, anh C. bị thu tới 1 triệu đồng.
Anh C. cho rằng nếu KS không nhận gửi xe thì nhân viên phải trả lời thẳng thắn và dứt khoát, hoặc hai bên sẽ có thỏa thuận với mức giá vừa phải chứ không thể lấy giá “cắt cổ” như thế.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Trần Thu Hà, đại diện bộ phận truyền thông của KS Fortuna, xác nhận có vụ việc trên, tuy nhiên khoản tiền 1 triệu đồng không phải là phí trông giữ xe, mà là tiền nộp phạt. Theo quy định của Fortuna, nếu gửi xe qua đêm mà không sử dụng bất cứ dịch vụ nào của KS sẽ bị phạt. Đối với xe máy là 1 triệu đồng, ô tô từ năm chỗ trở xuống là 4 triệu đồng, lớn hơn là 5 triệu đồng. Ngược lại, chỉ cần sử dụng một dịch vụ, khách sẽ được trông xe miễn phí. Các mức phạt này đều do KS tự đề ra chứ không thông qua cơ quan nào cấp phép hoặc đồng ý.
Cũng theo bà Hà, thời điểm anh C. gửi xe, nhân viên có nói rõ về quy định trên nhưng có thể vì đã say nên anh không nhớ. Hơn thế, tại lối ra vào gửi xe, KS đều có biển thông báo cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
|
Bảng thông báo đánh đố của khách sạn Fortuna được treo tại lối ra vào trông giữ xe. Sau khi gửi xe máy một đêm, anh C. phải nộp số tiền lên tới 1 triệu đồng. |
Không có quyền phạt!
Vụ việc trên thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả. Nhiều người đặt câu hỏi liệu KS có quyền được tự đưa ra các quy định và mức phạt như vậy hay không?
Trả lời vấn đề này, luật sư (LS) Bùi Đình Ứng, Đoàn LS Hà Nội, nhận định KS Fortuna phạt người gửi xe là sai.
“KS có thẩm quyền xử phạt không và căn cứ vào đâu để xử phạt?” - LS Ứng đặt vấn đề.
Theo vị LS này, KS sử dụng từ “phạt” là không đúng. Bởi khi nói đến xử phạt nghĩa là xử phạt vi phạm hành chính, mà trong Luật Xử lý vi phạm hành chính thì không có quy định nào cho doanh nghiệp có quyền ra quyết định xử phạt.
Nếu Fortuna kiên quyết không cho gửi xe mà tài xế cố tình gửi, KS có thể báo cơ quan chức năng để sử dụng các biện pháp như cẩu xe, di chuyển ra bãi chẳng hạn.
“Đồng ý cho người ta để xe vào trong rồi thì không thể phạt được. Anh căn cứ vào cái gì để phạt, phạt trên cơ sở hành vi gì? Ở đây là 1 triệu, vậy nếu 5 triệu, 10 triệu,… thì người ta cũng phải trả hay sao?” - LS Ứng nói.
Nếu không muốn giữ xe đối với khách không sử dụng dịch vụ, KS có thể đề mức phí trông giữ là bao nhiêu (nếu vẫn cố tình gửi). Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp này, phí gửi cũng phải hợp lý, không thể có chuyện 1 triệu đồng cho một chiếc xe máy qua đêm.
Trong khi đó, TS Vũ Thị Hồng Yến, Trường ĐH Luật Hà Nội, cho rằng Fortuna không có thẩm quyền xử phạt. Theo như giải thích của đại diện KS này, có thể đây là việc phạt hợp đồng.
“Nó giống như một hợp đồng dịch vụ gửi giữ bằng miệng, được xác lập bằng vé, phía KS đã công bố công khai điều kiện giao dịch chung (bảng thông báo xử phạt)” - TS Yến nói.
Tuy nhiên, đây là điều kiện do một bên đơn phương đưa ra, nếu nó tăng trách nhiệm một cách bất bình thường, quá bất lợi cho bên tiếp nhận thì điều kiện đó không có giá trị.
Cụ thể, trong trường hợp này, mức phí 1 triệu đồng cho một đêm gửi xe là quá cao so với mức giá trung bình của dịch vụ nên điều kiện KS đưa ra không có giá trị.
Bảng thông báo khách sạn viết gì?
“Unauthorised and overnight is prohibited.
Đỗ xe qua đêm không được phép của ban quản lý hoặc sử dụng điểm đỗ xe của khách sạn cho lợi ích cá nhân mà không sử dụng dịch vụ nào của khách sạn đều bị coi là trái phép.
Penanty charges for unauthorised parking shall apply.
Motorbike (xe máy): 1.000.000 VNĐ.
Car (ô tô dưới 9 chỗ): 4.000.000 VNĐ.
Van or truck (ô tô trên 9 chỗ và xe tải): 5.000.000 VNĐ
Các loại xe đỗ trái phép trong khách sạn sẽ phải trả tiền dịch vụ như trên cho mỗi lần đỗ/ngày”.
Đó là toàn bộ bảng thông báo tại bãi đỗ xe của KS Fortuna. Về nguyên tắc, các bảng thông báo song ngữ phải có đầy đủ tiếng Việt và một ngoại ngữ cho tất cả nội dung thể hiện trên bảng.
Trong bảng thông báo của KS Fortuna, tiêu đề lớn nhất - đập vào mắt người đọc “Unauthorised and overnight is prohibited” được viết bằng tiếng Anh, không có tiếng Việt. Điều này gây cảm giác “dội” với người không biết ngoại ngữ, đẩy tới việc họ sẽ không đọc tiếp phần dưới.
Chưa kể, cái câu quan trọng nhất là “Mức phạt cho việc đậu xe trái phép” lại chỉ viết bằng tiếng Anh, không có tiếng Việt.
Khái niệm “đỗ xe trái phép” của Fortuna ngoài việc đỗ không được phép của ban quản lý còn có nội dung dùng bãi đỗ xe nhưng không sử dụng dịch vụ nào của KS. Tuy nhiên, phần này lại được viết bằng tiếng Việt, không có tiếng Anh. Như vậy khách nước ngoài cũng sẽ không hiểu được.
Theo Tuyên Phan/PLO