Chị Đỗ Thị Thu Hằng sinh năm 1994 chia sẻ, trước khi dấn thân vào con đường khởi nghiệp, chị là một luật sư. Tuy nhiên, trong một lần cùng bạn đi du lịch tới bản Lao Chải, thị xã Sapa, Lào Cai đầu năm 2020, vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng hoà quyện bên căn nhà sàn gỗ đã làm chị thấy rung động. Ngay trong buổi chiều hôm đó, hai người đã quyết định ký hợp đồng thuê đất của người dân để làm Farmstay.
|
Là một luật sư, nhưng chị Đỗ Thu Hằng đã quyết định khởi nghiệp với lĩnh vực du lịch sinh thái. |
Cô gái sinh năm 1994 chia sẻ du lịch sinh thái là một loại hình du lịch vừa dựa vào những hình thức truyền thống vừa có sự hòa nhập với môi trường tự nhiên và văn hóa bản địa, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của du khách, không gây tổn hại đối với môi trường tự nhiên và nền văn hóa sở tại. Tham gia loại hình du lịch này, du khách có thể đến với những vùng thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp, những miền quê bình yên, trù phú hay các khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng,… với những trải nghiệm thú vị. Đây cũng chính là loại hình du lịch ngày càng phát triển nhanh trên thế giới, trở thành xu hướng phát triển du lịch hiện nay, hướng tới sự bền vững.
Chị Hằng cho biết thuận lợi khi bắt đầu thực hiện kế hoạch khởi nghiệp chính là người bạn vốn là kỹ sư nông nghiệp và có niềm đam mê lớn với thiên nhiên, cây cỏ. Mảnh đất chị thuê để làm Farmstay được bao quanh bởi 2 dòng suối, đối diện Farmstay là thác nước. Cô gái sinh năm 1994 chia sẻ cái tên Bajiko- Rừng ước mơ như nhắc mọi người về một nơi tiên cảnh có sông nước hữu tình, thác đổ bên nông trại xanh mướt như một giấc mơ yên bình.
|
Cô gái sinh năm 1994 cho biết homestay của mình hiện có 12 phòng cho khách thuê. |
Trong những ngày đầu thực hiện ý tưởng, chị và người bạn đã dành thời gian để trang trí lại căn nhà sàn gỗ. Cùng với đó, chị còn thuê thêm khoảng 1ha đất xung quanh để cải tạo và làm nông trại.
Số vốn ban đầu được chị bỏ ra là khoảng 500 triệu đồng, trong đó đầu tư vào căn homestay khoảng 130 triệu đồng, còn vào nông trại khoảng 370 triệu đồng. Chị cũng lên kế hoạch cho việc duy trì và cải tạo nông trại của mình thêm 600 triệu đồng nữa.
Để có số tiền ban đầu, chị đã phải vay mượn một phần từ bố mẹ và bạn bè. Về sau, chị và người bạn nhận thêm các công việc liên quan đến tư vấn Luật để có thêm kinh phí bù vào các hoạt động của nông trại.
Trong thời gian đầu, do chưa biết những tập tục và khí hậu ở Sapa nên chị và người bạn của mình gặp khá nhiều khó khăn. Một số cây trồng được ở khu vực khác lại không thích hợp với khí hậu ở đây.
Một khó khăn nữa là đất của người dân nơi đây vốn đã sử dụng nhiều phân hóa học, nên hai người phải cải tạo lại bằng việc đưa vào sử dụng các loại phân hữu cơ. Chị Hằng chia sẻ, trong những ngày đầu mẹ lên thăm thấy con gái vất vả đã khuyên chị trở lại thành phố làm việc.
|
Những du khách đến nông trại nghỉ dưỡng sẽ được tham gia các hoạt động đậm chất làng bản Sapa. |
Một số trận mưa đá cũng đã gây ra những thiệt hại cho rau màu, thêm vào đó tác động tiêu cực của dịch COVID-19 khiến chị và người bạn của mình nhiều lần muốn bỏ về thành phố. Nhưng rồi, niềm đam mê về nông trại đã níu chân hai người ở lại.
Mất gần nửa năm chuẩn bị, đến tháng 6/2020 nông trại dần hình thành với khu homestay gồm 12 phòng cho khách thuê lưu trú qua đêm với mức phí là 250.000đ/phòng đôi, khu vườn dược liệu, khu chăn nuôi, khu hoa, khu rau củ quả. Hiện những sản phẩm nuôi trồng chủ đạo của nông trại là cải ép dầu và gà đen bản địa H'mong.
Với mục tiêu hướng đến là các giá trị thiên nhiên làng bản, chính vì thế nông trại sản xuất thuận theo tự nhiên. Những sản phẩm cung cấp ra thị trường và cho du khách 100% là hữu cơ và mang nét đặc trưng riêng của nông trại.
Những du khách đến nông trại nghỉ dưỡng sẽ được tham gia các hoạt động đậm chất làng bản Sapa như tham gia tìm hiểu nông trại hữu cơ, tìm hiểu quy trình nuôi gà đen, cá hồi, cá tầm, tự thu hái nông sản để chế biến các món ăn, BBQ, lửa trại, tắm lá dược liệu.
Đến với nông trại, du khách có cơ hội tìm về nguồn cội, tìm sự bình yên bên mẹ thiên nhiên. Những ngày đầu, mỗi tháng chị và bạn của mình đã đón được từ 20-30 lượt khách ghé thăm và nghỉ dưỡng, doanh thu từ 20 – 30 triệu đồng/tháng.
Để thu hút khách du lịch, chị cũng đã thiết lập hệ thống quảng cáo trên mạng với các website, trang Facebook chia sẻ bài viết về trải nghiệm của du khách, kết nối với các trang web lớn về đặt phòng khách sạn, đặt tour du lịch.
Với sự hiếu khách và nhờ sự giới thiệu của những người đã từng trải nghiệm đến nay số lượng du khách đến tham quan nông trại đã nhiều hơn. Cùng với đó, nông trại của chị cũng được chính quyền địa phương hỗ trợ trong việc giới thiệu đến với những du khách khi họ đến với tỉnh Lào Cai.
Cô gái sinh năm 1994 cho biết để thành công trong việc thực hiện ý tưởng khởi nghiệp của mình, mỗi cá nhân cần có sự đam mê, lòng nhiệt huyết, sự tìm tòi, sáng tạo kết hợp kiến thức, vốn, nguồn tín dụng, môi trường xã hội. Để khởi nghiệp thành công cần ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất kinh doanh du lịch; tạo sự khác biệt nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước là rất cần thiết; cần có nguồn nhân lực có chất lượng; cập nhật, phát triển thị trường, xúc tiến thương hiệu.
Theo Trung Kiên/Dân Việt