Trong buổi lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Luật Chăn nuôi tổ chức sáng nay ở TP.HCM, ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam bộ chia sẻ, ngành chăn nuôi khu vực Đông Nam bộ đang có hai “vấn đề lớn” cần giải quyết. Đó là việc mật độ chăn nuôi quá dày và các trang thiết bị sử dụng trong giết mổ, thu gom sản phẩm chăn nuôi không được xử lý dịch bệnh sau khi sử dụng.
Theo khoản 2, Điều 67 dự thảo Luật Chăn nuôi, vị trí xây dựng trang trại chăn nuôi mới phải đảm bảo khoảng cách xa chợ, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, công sở, nhà máy, khu công nghiệp, khu đông dân cư, đường giao thông chính, nguồn nước sinh hoạt.
Nhưng hiện tại, người chăn nuôi tại Đồng Nai được yêu cầu phải di dời vào khu chăn nuôi tập trung, khoảng cách giữa các trại chăn nuôi, các hộ chăn nuôi… cũng không đảm bảo an toàn dịch bệnh, không theo thông lệ quốc tế.
|
Đã có trại gà không xuất khẩu được vì... đàn vịt nhà hàng xóm. Ảnh minh họa: Nguyên Vỹ |
Ông Ngọc kể, việc các trang trại, các hộ nuôi san sát nhau như hiện nay đã gây khó khăn cho việc chăn nuôi sạch bệnh, huống gì phải đưa vào khu chăn nuôi tập trung. Như tại trại ông Ngọc, được đầu tư công nghệ cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu Nhật Bản nhưng mới đây, khi các chuyên gia của một đối tác sang xem vùng nguyên liệu thì họ lại không chấp nhận. Nguyên nhân là nhà bên cạnh có nuôi vịt, có thể lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng tới trại gà nhà ông Ngọc.
“Sản phẩm chăn nuôi của Thái Lan xuất khẩu được khắp nơi vì họ chăn nuôi có khoảng cách, trại này có bị bệnh thì cũng không ảnh hưởng tới trại kia”, ông Ngọc nêu ví dụ.
Trong khi đó, vấn đề trang thiết bị, dụng cụ dùng để giết mổ, thu gom gia súc, gia cầm của các cơ sở giết mổ hiện nay chính là nguồn lây lan dịch bệnh. Một số sản phẩm sử dụng trong quá trình thu gom gia cầm trước khi giết mổ như lồng nhựa, thùng xe… phải được vệ sinh, khử trùng sạch sẽ sau khi dùng.
“Một trại nuôi hiện đại xuất bán sản phẩm thì phải 7 – 10 ngày mới bắt hết gà, nếu lồng nhựa, xe… nhiễm bệnh thì sang ngày thứ 2 là gà tại trại có dấu hiệu lây bệnh, qua ngày thứ 3 là đàn gà bắt đầu bị ảnh hưởng, cần phải dùng thuốc. Mà dùng thuốc, kháng sinh lúc này chắc chắn ảnh hưởng tới sản phẩm”, ông Ngọc nêu ý kiến.
Do đó, trong quy định về giết mổ công nghiệp, cần bổ sung khu vực vệ sinh lồng gà, nhúng qua nước sôi 80 độ C… để khử trùng, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho trại chăn nuôi.
Luật sư Hoàng Văn Sơn – Trưởng văn phòng Luật sư VNC thì cho rằng, dự thảo Luật Chăn nuôi quá ôm đồm, mang nặng tính quản lý ôm quyền của Bộ NNPTNT hơn là cơ sở để các cá nhân, hộ gia đình… phát triển cạnh tranh bền vững ngành chăn nuôi.
Ví dụ như quy định về nghiên cứu tạo giống, quản lý nguồn gen giống vật nuôi… đây là những vấn đề các doanh nghiệp, tổ chức sẽ tự giải quyết trong môi trường cạnh tranh, không cần nhà nước phải can thiệp.
Trong khi đó, Luật nên bổ sung các hành vi bị cấm gồm việc mua bán, cho tặng, trao đổi gia súc, gia cầm bị dịch bệnh. Theo ông Sơn, trên thực tế, đã xảy ra trường hợp các tổ chức, cá nhân bán, cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn các vật nuôi bị nhiễm bệnh hoặc các hộ chăn nuôi bán gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh do sợ bị thua lỗ… Việc này vừa gây lây lan dịch bệnh vừa gây hiệu ứng xấu trong xã hội.
Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thừa nhận rằng, vấn đề chăn nuôi tập trung hay tập trung chăn nuôi đã được đề cập nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết. Luật Chăn nuôi sẽ trình Quốc hội trong năm 2018, đây là lần đầu tiên Việt Nam có Luật Chăn nuôi nhằm quản lý tốt ngành chăn nuôi và tạo điều kiện cho ngành, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi… phát triển.
Tuy nhiên, ông Dương cũng cho rằng, không đâu “làm luật” như ở Việt Nam,vì còn nhiều vướng mắc, bất cập. Luật ban hành chưa kịp áp dụng thì đã phải sửa đổi, nông dân, doanh nghiệp chưa kịp nắm được luật thì đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn… Do đó, ông Dương kỳ vọng, các doanh nghiệp,Hiệp hội, hộ chăn nuôi… sẽ cùng góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật Chăn nuôi trước khi trình Quốc hội.
Ông Dương trích dẫn, những điểm chú ý của dự thảo Luật Chăn nuôi gồm, muốn nuôi chó phải đăng ký với UBND xã, không cho phép nhập khẩu nội tạng, phủ tạng các loại động vật từ nước ngoài vào Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào, không cho phép nhập gia súc, gia cầm sống già, loại thải từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam với mục đích giết mổ lấy thịt…
Theo Thuận Hải/Dân Việt