Kiếm tiền tỷ nhờ tạo ra giống cây "có một không hai"

Google News

Tình cờ biết đến cây chanh leo và ý nghĩ táo bạo đem ghép với cây nhãn lồng, một lão nông ở miền Tây đã tạo ra giống chanh leo ngọt có mùi vị độc lạ, thu lãi gần 2 tỷ đồng mỗi năm.

Thời gian gần đây vườn chanh leo (chanh dây) của ông Nguyễn Hữu Công (64 tuổi, ngụ xã Song Phụng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) đang “làm mưa làm gió” trên các diễn đàn nông nghiệp, mạng xã hội bởi những clip bật mí về loài chanh leo độc, lạ.

Xuất ngũ năm 1985, ông Công trở về quê nhà và gắn bó với ruộng vườn của gia đình. Là người chịu khó học hỏi, ông luôn tìm tòi cái mới, ứng dụng công nghệ vào canh tác. Thành quả hiện là hai vườn chanh ngọt lúc nào cũng trĩu quả ở ấp Phụng Sơn tổng diện tích hơn 3,5 ha.

Ông Công cho biết khoảng năm 2015, ông đặt mua trên mạng 10 hạt giống chanh leo về trồng, song chỉ có 3 dây cho trái. Trong đó, có một dây trái vị ngọt thanh, mùi thơm đặc biệt, không giống như những loại chanh leo khác. Ông nhờ một số giáo viên ở Đại học Cần Thơ chỉ dẫn kỹ thuật ghép cây thân leo để nhân giống chanh leo lạ.

Kiem tien ty nho tao ra giong cay

Vườn chanh leo trĩu quả của lão nông miền Tây.

Kể về cơ duyên tìm ra giống chanh leo ngọt độc lạ của mình, ông Công cho rằng đó là một sự tình cờ. Một lần đi vườn, ông tình cờ thấy trái nhãn lồng chín nên nảy ý định ghép cây chanh leo vào vì hai loài có một số đặc tính tương đồng. Tham vọng của ông là cây chanh sẽ cho trái có vị ngọt nếu ghép vào gốc nhãn lồng. "Nhiều người nói tôi bị khùng vì làm gì có giống chanh ngọt, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm", ông Công nói.

Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, đến năm 2019, những dây chanh leo đặc biệt do ông Công tạo ra mới bắt đầu cho trái và cho thu hoạch với khoảng 200 kg trái chín. Khi ăn thử, lão nông vỡ òa cảm xúc vì trái có vị ngọt thanh, chua nhẹ, thoảng mùi thơm của nhãn lồng, khác biệt so với các loại chanh leo hiện có.

Ông Công còn là một trong những nông dân đầu tiên ở tỉnh ứng dựng thành công công nghệ tưới tự động, chủ động ứng phó với hạn xâm nhập mặn ngày càng gay gắt như hiện nay.

“Sau thời gian gieo trồng có 5 cây phát triển, trong đó chỉ có 3 cây cho trái. Dù tỷ lệ khá thấp nhưng cũng là tín hiệu vui để tôi có thêm động lực thử nghiệm giống chanh leo mới.

Nhiều tháng chăm sóc, chờ đợi, hồi hộp thu hoạch lứa quả đầu tiên, kết quả rất bất ngờ. Có 1 cây cho quả chín thơm lừng, phần mật (hạt và nước) ngọt thanh, không giống như những loại chanh leo khác”.

Theo ông Công, cây nhãn lồng có đặc tính dễ sinh trưởng trong môi trường nghèo dinh dưỡng, không kén đất. Nếu đem 2 cây này kết hợp với nhau sẽ cho ra giống cây có 1-0-2 với ưu điểm vượt trội.

Sau biết bao lần thử nghiệm, ông Công thành công tạo nên giống chanh leo ngọt.

“Ăn thử mà vỡ oà trong niềm hạnh phúc, hương vị đúng như những gì tôi mong đợi. Quả vàng óng, vị ngọt thanh, thoang thoảng mùi thơm của nhãn lồng”, ông Công nói và cho biết tiếp tục ghép cây, mạnh dạn nhân rộng ra trồng 200 gốc chanh leo thành phẩm.

Kiem tien ty nho tao ra giong cay

Ươm tạo thành công giống cây mới, ông Công cũng mạnh dạn lên mạng học hỏi, tìm hiểu phương pháp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Theo ông Công, sau 3-4 năm sinh trưởng và cho trái cần phải cải tạo lại vườn, loại bỏ những cây già cỗi. Ngoài vườn chanh đầu, ông phải ghép mới cây con để trồng bổ sung. Sau thời gian cây cho trái và thử chất lượng ổn định, ông mới tiếp tục nhân giống để bán ra thị trường.

Vừa làm vừa học hỏi trên mạng và các kỹ sư, ông Công ngày càng hoàn thiện kỹ thuật nhân giống. Mỗi năm ông bán ra thị trường khoảng 6.000 dây chanh leo ngọt, với giá 80.000-100.000 đồng mỗi dây. Hiện, toàn bộ diện tích chanh leo của nông dân này được chứng nhận VietGAP. Đặc biệt, vườn chanh của ông không dùng thuốc để kích ra hoa, cây cho trái tự nhiên và quanh năm, mỗi đợt cách nhau khoảng 2 tháng. Mỗi năm, một dây chanh leo ngọt cho khoảng 10 kg trái, mỗi ha cho khoảng 5 tấn.

Kiem tien ty nho tao ra giong cay

Lão nông miền Tây mong sắp tới được cơ quan chức năng kết nối với các doanh nghiệp đưa sản phẩm xuất ngoại.

Với hơn 5.000 gốc chanh leo ngọt, mỗi tháng ông bán ra thị trường từ 2,5 – 3 tấn/đợt (mỗi đợt thu hoạch cách nhau khoảng 2 tháng) với giá dao động từ 80.000 – 120.000 đồng/kg. Ngoài bán chanh quả, mỗi năm ông Công ghép bán khoảng 6.000 cây giống (giá dao động từ 80.000-100.000 đồng/cây).

“Thời gian gần đây, mặc dù chưa đến đợt thu hoạch nhưng khách đã đặt mua gần hết. Ngoài các đại lý tại Tp.HCM và Cần Thơ, tôi còn livestream bán hàng qua mạng xã hội. Với diện tích hiện có, mỗi năm gia đình thu lãi gần 2 tỷ đồng. Tôi mong sắp tới được Nhà nước hỗ trợ, kết nối với doanh nghiệp, đưa quả chanh leo ngọt xuất ngoại”, người nông dân vui mừng nói.

Theo T.Lâm/Người Đưa Tin