|
Ngày 10/11, giá xăng E5 RON 92 trong nước tăng thêm 550 đồng/lít; xăng RON 95 tăng thêm 660 đồng/lít. Đây là lần tăng thứ 5 liên tiếp trong 2 tháng qua. Ảnh: Như Ý
|
Xem lại vai trò Quỹ Bình ổn giá xăng dầu
Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu cho biết, để giảm áp lực của giá xăng dầu tác động lên các lĩnh vực khác, nhất là trong bối cảnh nhiều dự báo giá dầu sẽ vẫn tiếp tục tăng vào cuối năm, bên cạnh việc xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường (yếu tố cấu thành giá xăng), Bộ Tài chính cần tính đến việc điều hành và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (QBOG).
Theo vị này, QBOG như sổ tiết kiệm trong gia đình. Việc chi tiêu vào thời điểm nào, mức chi bao nhiêu thì phù hợp với diễn biến của nền kinh tế cần có tính toán hết sức kỹ lưỡng. Trong giai đoạn cao điểm của dịch bùng phát ở nhiều địa phương, khi người dân hạn chế ra đường, hoạt động của doanh nghiệp, nhà máy bị tạm dừng, thay vì để giá tăng sát với giá dầu thế giới, cơ quan quản lý lại sử dụng trích quỹ rất lớn.
Chính vì thế, QBOG ở nhiều doanh nghiệp đầu mối bị âm rất lớn. Đến nay, mức âm Quỹ lên tới 1.500 tỷ đồng, tạo gánh nặng nợ nần lớn cho các doanh nghiệp đầu mối.
“Giờ chúng ta đã quay lại trạng thái bình thường mới, người dân đi lại nhiều, doanh nghiệp, nhà máy đã sản xuất trở lại, nhu cầu sử dụng nhiên liệu tăng lên giúp phục hồi kinh tế thì lại gặp ngay việc giá xăng dầu liên tục tăng mạnh. Trong khi đó, QBOG đã dùng hết, dù trước đó đã tích lũy được mấy nghìn tỷ, nên không có tác dụng kìm giá”, vị này nói.
Theo nguồn tin của phóng viên Tiền Phong, hiện QBOG của nhiều đơn vị tiếp tục bị âm rất lớn. Tại Petrolimex, trước thời điểm 15h ngày 10/11, QBOG bị âm 355 tỷ đồng, tăng thêm 145 tỷ đồng chỉ sau 3 tuần. Tương tự, ở Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), QBOG bị âm xấp xỉ 700 tỷ đồng. Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ (Thalexim) âm 43 tỷ đồng...
Rất nhiều doanh nghiệp mong được bỏ QBOG. Bộ Công Thương cũng ủng hộ bỏ quỹ này, nhưng Bộ Tài chính lại không muốn.
Đề xuất giảm thuế, phí xăng dầu
Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Tiến Thỏa, cho biết, xăng dầu là sản phẩm đầu vào quan trọng của nền kinh tế, không có giải pháp bình ổn sẽ tác động bất ổn đến toàn bộ nền kinh tế, không chỉ tác động đến tăng trưởng GDP còn có khả năng gây ra lạm phát trong giai đoạn hiện nay.
Theo ông Thỏa, để kìm giá xăng dầu, có thể xem xét giãn, hoãn, giảm một loại thuế nào đó như VAT, thuế bảo vệ môi trường để chia sẻ với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, ông Thỏa lưu ý, cơ quan quản lý cần các gói hỗ trợ tài chính để xử lý khó khăn trong lúc này với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng khi giá xăng dầu lên cao.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay, hiện trong cơ cấu giá thành sản phẩm xăng dầu, các loại thuế, phí chiếm khoảng 42% đối với mặt hàng xăng và khoảng 30% đối với mặt hàng dầu. Trong đó thuế bảo vệ môi trường đang được tính một cách cơ học theo giá trị tuyệt đối, đối với xăng sinh học là 3.800 đồng/lít. Như vậy là không hợp lý, bà Lan nói.
Theo bà Lan, Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp giảm thuế, phí với nhiều ngành nghề khác, vậy sao không giảm ngay những loại thuế này với xăng dầu. “Nếu giá xăng dầu tăng ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng, làm tăng phí đầu vào, nhất là đối với ngành vận tải”, bà Lan nói.
Ông Bùi Ngọc Bảo, quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng, để kìm giá tăng, cơ quan quản lý có thể cân nhắc giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường (hiện thu ở mức tối đa 4.000 đồng/lít xăng RON 95; 3.800 đồng/lít xăng và 2.000 đồng/lít dầu diesel).
Theo ông Bảo, thuế nhập khẩu với dầu diesel đã gần về 0%, còn với xăng sẽ giảm về 0% vào năm 2024 và hiện chỉ thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt là còn dư địa có thể giảm. Tuy nhiên, việc giảm thuế môi trường sẽ là bài toán khá khó. Tháng 9 vừa qua, Bộ Công Thương đã có đề xuất với Bộ Tài chính nhưng chưa được thông qua.
Vận tải đau đầu vì càng chạy càng lỗ
Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Quang Minh cho hay, các nhà xe vận tải hàng hoá mới vượt qua được những khó khăn nhờ bớt chi phí xét nghiệm COVID-19 khi cả nước bình thường mới trở lại, nay lại phải đối mặt với việc tăng giá xăng dầu. Doanh nghiệp hiện có 40 xe tải nhưng có 5 xe chưa thể vận hành lại do nhu cầu thị trường rất thấp. Bên cạnh đó, giá xăng, dầu liên tục tăng nhưng giá cước vận chuyển đã ký với các doanh nghiệp khác chỉ được 2 đơn vị đồng ý tăng để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Về việc điều hành QBOG đã có rất nhiều kiến nghị từ các chuyên gia và hiệp hội về việc nên bỏ loại quỹ này để giá xăng dầu trong nước vận hành theo cơ chế thị trường. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, việc trích lập QBOG theo quy định tại Nghị định 83 điều hành xăng dầu đang khiến người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi.
Theo Ngọc Mai - Phạm Tuyền/Tiền Phong