Ba ngày trở lại đây, số "nạn nhân" là nhà cung cấp của chuỗi Nhà hàng Món Huế (thuộc Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế) liên tục được cập nhật, số công nợ của công ty này cũng mỗi lúc một dày lên.
Sự việc không ngờ
Không chỉ ở TP HCM mà lần lượt tại Hà Nội, Hải Phòng…, các nhà cung cấp cho Nhà hàng Món Huế cũng hốt hoảng tìm hiểu thủ tục nộp đơn đến công an địa phương để tố cáo công ty này. Trong khi đó, bộ sậu quản lý và ông chủ thực sự của Nhà hàng Món Huế đến giờ vẫn không thể liên lạc được.
Sự việc diễn biến quá nhanh khiến khó ai ngờ được, bởi Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam, công ty mẹ của chuỗi Món Huế, trước đây từng rất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ẩm thực. Huy Việt Nam là công ty 100% vốn nước ngoài, thành lập từ năm 2006, từng 3 lần được các quỹ đầu tư ngoại rót vốn với tổng số tiền 65 triệu USD. Doanh nghiệp (DN) này liên tục mở cửa hàng mới, xây dựng thêm nhiều chuỗi khác bên cạnh Món Huế và Phở Ông Hùng. Năm 2017, công ty này còn khởi công xây dựng dự án 2 nhà máy chế biến thực phẩm tại Long An và Hà Nội với tổng số vốn đầu tư ước tính lên tới 40 triệu USD. Thời điểm đó, Huy Việt Nam tham vọng trở thành công ty chế biến thực phẩm và nhà hàng tự cung cấp thực phẩm lớn tại Việt Nam, mở rộng thị trường ra Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc...
|
Chuỗi Nhà hàng Món Huế và những chuỗi khác trong Huy Việt Nam đều đồng loạt đóng cửa. Ảnh: HOÀNG UYÊN |
Đến thời điểm hiện tại, công ty sở hữu 10 thương hiệu nhà hàng, trà sữa khắp cả nước, gồm Cơm Thố Cháy, Phở Ông Hùng, Great Banhmi & Cafe, trà sữa TP Tea, 99 House of Phở, Mì Quảng Bếp Tâm, món Hàn Shilla, món Nhật Iki, Captain Lobster, Soi 615 với tổng cộng hơn 200 nhà hàng trên cả nước. Tuy nhiên, tính đến cuối ngày 23-10, gần như toàn bộ những chuỗi nói trên của Huy Việt Nam đã đóng cửa, nghỉ bán và trả mặt bằng. Có cửa hàng đóng cửa đột ngột đến nỗi toàn bộ vật dụng đều bị bỏ lại, tiền cọc thuê mặt bằng cũng không lấy. Trong khi đó, hàng loạt nhân viên các cửa hàng này cho biết bị nợ kéo dài, hàng ngàn khách hàng sở hữu thẻ mua hàng (đã thanh toán trước) không biết tìm ai để đòi quyền lợi…
Đến thời điểm hiện tại, vụ việc Công ty Món Huế có thể xem là vụ vỡ nợ lớn nhất trong ngành bán lẻ thực phẩm và đồ uống, tính từ 10 năm trở lại đây. Bởi, lĩnh vực này từng chứng kiến các chuỗi cửa hàng thực phẩm, cà phê, trà sữa… nở rộ rồi âm thầm "tém" bớt quy mô hoặc đóng cửa, rời thị trường ngày càng nhiều nhưng chưa có vụ việc nào lớn đến như vậy. Một vài tài liệu cho thấy chỉ chuỗi Nhà hàng Món Huế tính đến cuối năm 2018 đã ghi nhận số lỗ cả trăm tỉ đồng.
Cách đây 2 năm, tại hội thảo chuyên về nhượng quyền bán lẻ ngành thực phẩm và đồ uống, chuyên gia Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia, từng cảnh báo kinh doanh chuỗi không phải là con đường trải đầy hoa hồng mà đường trải hoa hồng chỉ dành cho những thương hiệu có tầm nhìn, có tư duy dài hạn và có cam kết phát triển lâu dài. Nếu DN làm ăn với tâm thế đánh nhanh rút gọn, ăn xổi ở thì, thị trường Việt Nam có thể sẽ đầy gai nhọn. Đến nay, những cảnh báo này đã trở thành hiện thực. Kinh doanh chuỗi tại Việt Nam đang đối diện rất nhiều rủi ro.
Mở càng nhiều càng lỗ
Chưa có cơ sở để kết luận nguyên nhân vỡ nợ, đóng cửa của chuỗi Nhà hàng Món Huế là do làm ăn thua lỗ hay vì lý do khác nhưng các chuyên gia tỏ ra không ngạc nhiên với việc chuỗi thương hiệu đình đám này "đột tử", thậm chí một số người còn nhận định sẽ còn nhiều thương hiệu khác "chết" kiểu như vậy.
Bà Nguyễn Phi Vân cho biết khi làm chuỗi, một là DN xây dựng chuỗi để kinh doanh, phát triển bền vững; hai là xây dựng thành một sản phẩm để giao dịch tài chính thông qua thu hút đầu tư hoặc bán. Với cách làm thứ hai, DN sẽ xây dựng mô hình, nhân ra thật nhanh, làm báo cáo tài chính thật "đẹp" để chào mời các quỹ đầu tư rót vốn. Thực tế, một số quỹ đầu tư có ý định rót vốn nhưng cả ban định giá của họ không ai đi thực tế tại bất kỳ chi nhánh nào mà chỉ nhìn trên giấy tờ báo cáo. Mục đích của họ không phải là cùng DN vận hành chuỗi mà là phát triển lên để bán và làm sao bán có giá nhất.
Theo bà Phi Vân, để quản trị và phát triển một chuỗi bán lẻ cực khó vì đòi hỏi nền tảng sản phẩm và thương hiệu vững chắc trước khi phát triển; cùng với đó là đầu tư thời gian, công sức, tâm sức để chuẩn bị nguồn lực. Trong khi đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm khi đổ tiền đầu tư thường không chú trọng việc phát triển bền vững mà tập trung ép DN "chín" nhanh để bán lại kiếm lời. "Các chuỗi chết bất đắc kỳ tử rơi vào trường hợp này" - bà Phi Vân nói.
Trở lại với câu chuyện chuỗi Nhà hàng Món Huế đóng cửa, chuyên gia tài chính - TS Huỳnh Trung Minh cho rằng trường hợp này không mới và ngay cả chuỗi thức ăn nhanh của nước ngoài là Buger King đã từng phải tính đến việc rút khỏi Việt Nam... Điều đó phản ánh sự khắc nghiệt của thị trường này, dù lĩnh vực ẩm thực, đồ ăn vốn được đánh giá đầy tiềm năng, quy mô thị trường rất hấp dẫn ở Việt Nam. "Tôi từng chia sẻ với bạn bè về việc kinh doanh theo chuỗi trong lĩnh vực này sẽ phải cạnh tranh rất gay gắt với những cửa hàng, quán ăn truyền thống. Ở Việt Nam, nhất là TP HCM, Hà Nội..., ra ngõ gặp quán ăn. Các cửa hàng mở theo chuỗi dù có tỉ suất lợi nhuận tới 50% trên một tô bún hay phở cũng khó tồn tại lâu dài. Bởi, mở một cửa hàng có thể lời nhưng mở chục cửa hàng cùng lúc, bài toán chi phí, khấu hao, lương nhân viên... là vấn đề, thậm chí càng mở nhiều càng lỗ" - TS Huỳnh Trung Minh phân tích.
Nhìn dưới góc độ đầu tư của các quỹ, TS Huỳnh Trung Minh cho rằng phần lớn các quỹ đầu tư trong và ngoài nước khi rót vốn vào DN là quỹ đầu tư mạo hiểm. Họ nhìn thấy tiềm năng thị trường, phân khúc khách hàng tốt, DN mở chuỗi phân phối có mạng lưới, có cơ hội đầu tư... là quyết định đầu tư. Đổ tiền vào hoặc tham gia quản lý là 2 việc khác nhau, thực tế nhiều quỹ chỉ đánh giá tiềm năng ban đầu chứ không lường hết những rủi ro trong quá trình hoạt động kinh doanh, làm ăn của DN.
"Những mô hình kinh doanh theo chuỗi trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, thức ăn nhanh... sẽ vẫn luôn là miếng mồi béo bở với những ai có tầm nhìn, đánh giá đúng phân khúc khách hàng. Nhưng việc đầu tư phải phù hợp với văn hóa truyền thống và văn hóa khách hàng. Ở Việt Nam, một cửa hàng như Món Huế có thể sẽ không đạt được lợi nhuận như bà bán khô bò ở vỉa hè. Riêng với đặc thù của các món ăn, một ngày vắng khách là rủi ro tăng lên và sẽ càng rủi ro, nguy cơ đóng cửa lớn hơn với cả một chuỗi cửa hàng" - TS Huỳnh Trung Minh nhìn nhận.
Nhà đầu tư phải hết sức cẩn thận
Trả lời câu hỏi tại sao DN gặp rủi ro ngày càng nhiều nhưng nhượng quyền chuỗi thực phẩm và đồ uống vào Việt Nam vẫn thuộc hàng sôi động nhất, bà Nguyễn Phi Vân cho rằng các chuỗi lớn của thế giới luôn cộng hưởng 2 yếu tố vận hành bền vững và giao dịch tài chính để phát triển hiệu quả kinh doanh chuỗi. Thị trường Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi, còn nhiều không gian cho DN xây dựng chuỗi để làm tài chính và luôn có những DN chuyên đầu tư vào thị trường chuyển tiếp làm giàu. Phải đi qua giai đoạn các chuỗi vỡ nợ, phá sản như trường hợp Nhà hàng Món Huế thì những người làm tài chính từ mô hình chuỗi mới giảm dần, nhường chỗ cho người vận hành kinh doanh bán lẻ. Đây là tiến trình bình thường của phát triển chuỗi mà thị trường nào cũng phải trải qua.
Vì vậy, những nhà đầu tư muốn mua các chuỗi hiện có để tiếp tục kinh doanh phải hết sức cẩn thận, đừng nhìn vào những số liệu hào nhoáng hay sự phát triển "thần tốc" trong thời gian ngắn mà phải tìm hiểu kỹ để giảm thiểu rủi ro cho mình.
Theo Thanh Nhân - Thái Phương/Người lao động