Lên trước danh sách nhưng vẫn có ngoại lệ
Trước khi shopping, bạn nên dự trù trong đầu những item muốn mua, tuy nhiên đừng quá phụ thuộc vào danh sách.
Shop đồ secondhand tựa như thiên đường của sự bất ngờ, nơi đây bạn có thể tìm thấy những item độc đáo và hay ho một cách tình cờ. Bởi vậy, trong danh sách của bạn không có quần jeans cũng đừng làm lơ khi thấy một món hợp với mình.
Mặc đồ thật thoải mái
Khi đi mua sắm, bạn nên mặc trang phục thật đơn giản, thoải mái. Điều đó có nghĩa là bạn nên diện set đồ nào có thể dễ dàng cởi ra, mặc vào một cách nhanh chóng như áo đơn và mang những đôi giày hoặc dép tiện lợi. Ngoài ra, bạn cũng không nên diện váy liền. Bộ cánh này tuy rất thoải mái, tiện lợi nhưng nó sẽ thực sự gây phiền toái khi bạn muốn thử quần hoặc áo riêng.
Đừng để bị mờ mắt bởi hàng hiệu
Khi đi shopping, bạn sẽ có khả năng "vớ" được một món đồ hiệu nào đó. Tuy nhiên, hãy luôn ghi nhớ, một món đồ chỉ đáng mua khi bạn thực sự thích, không phải vì nó là đồ hiệu hay trong trường hợp này - món đồ hiệu giá hời.
Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng món đồ hiệu là "dỏm" vì người bán hàng hoàn toàn có thể gắn mác "fake" để biến thành hàng hiệu, qua mặt khách hàng.
Thông thường, đồ hiệu secondhand có giá cao hơn mặt bằng chung. Khi bạn gặp một món "có vẻ giống đồ hiệu xịn", hãy xem xét thật kỹ lưỡng đường kim, mũi chỉ và tin vào linh tính của mình.
Ưu tiên những món đồ đơn giản hợp thời trang
Đồ secondhand thường là của mùa mốt cũ, bởi vậy để không bị trông giống một "bà cô" lỗi thời, bạn nên để mắt đến những item có thiết kế đơn giản, không lỗi mốt.
Ngay cả khi bạn có ưa thích phong cách vintage, bạn cũng nên giữ cho mình tỉnh táo trước những món đồ quá "cổ lỗ sĩ". Bởi vintage không có nghĩa là lỗi thời, quê kệch. Thêm nữa, những món đơn giản cũng dễ hòa hợp với tủ đồ hiện tại của bạn, giúp cho việc mix đồ dễ dàng hơn.
Không bao giờ mua đồ có dính vết ố
Nếu món đồ bạn thích không may bị dính một vết ố hay vết mực nào đó ở vị trí dễ thấy, đừng cố mua về với suy nghĩ lạc quan mình có thể giặt sạch vết tích đó. Sự thật là bạn sẽ không bao giờ có thể tẩy sạch được chúng.
Đừng ngần ngại mang món đồ đi sửa
Một món đồ secondhand với chút lỗi nhỏ xứng đáng được cho cơ hội thứ hai với điều kiện bạn phân biệt được lỗi nào có thể sửa được, lỗi nào đành "bó tay".
Chi phí sửa chữa có thể đội giá của món đồ lên một chút nhưng nếu đó là món đồ thật đẹp, phù hợp với bạn rất đáng mua. Vậy lỗi như thế nào là lỗi có thể sửa được và không sửa được?
Lỗi dễ sửa: Những điều chỉnh cơ bản như lên gấu, làm ngắn tay, thu gọn eo, bóp váy, khâu lại đường may bị sứt chỉ.
Lỗi tương đối dễ sửa: Thay khuy, thay khóa cho quần áo; làm lại đế, lót cho giày dép; mạng lại áo len bị sứt, rách.
Lỗi khó sửa: Đồ thêu đính bị hỏng, thu gọn vai áo blazer, thay lớp lót.
Lỗi không thể sửa được: Nới rộng một món đồ quá chật, đồ da hoặc đồ lông bị nứt, rách.
Giặt đồ thật kỹ sau khi mua
Bất kể bạn có mua đồ secondhand ở shop quen hay lạ, hãy giặt thật kỹ sau khi mua về. Ngay cả khi bộ cánh trông khá sạch sẽ và tinh tươm, bạn không nên chủ quan bởi bạn không thể biết nó từng đi qua những đâu.
Ngoài ra, bạn cũng nên xem xét kỹ đồ nào có thể giặt ướt, hoặc khô để đảm bảo chất lượng.
Theo Phụ nữ TP.HCM