Kỳ giông khủng "hóa thạch sống" sắp tuyệt chủng vì bị săn làm đặc sản

Google News

Kỳ giông khổng lồ, loài "hóa thạch sống" không thay đổi suốt 170 triệu năm, bị lùng bắt do thịt của chúng rất nạc và có vị giống thịt gà.

 
Khảo sát thực địa tiến hành trong hơn 4 năm chỉ ra loài kỳ giông khổng lồ Trung Quốc đang dần biến mất khỏi môi trường sống tự nhiên, theo BBC. Ngược lại, hàng triệu con kỳ giông đang được nhân giống trong các trang trại thương mại nhằm cung cấp cho những nhà hàng sang trọng. Gần như không thay đổi trong suốt 170 triệu năm, loài "hóa thạch sống" này là ưu tiên bảo tồn hàng đầu trên toàn cầu.
"Việc khai thác quá mức loài vật đặc biệt như kỳ giông khổng lồ phục vụ nhu cầu tiêu thụ của con người gây ảnh hưởng trầm trọng tới số lượng của chúng trong tự nhiên trong một khoảng thời gian cực ngắn", tiến sĩ Samuel Turvey, nhà nghiên cứu tại Viện Động vật học thuộc Hiệp hội Động vật học London (ZSL) cho biết. "Trừ khi khẩn cấp áp dụng các biện pháp phối hợp bảo tồn, tương lai của loài động vật lưỡng cư lớn nhất thế giới sẽ vô cùng nguy hiểm".
Kỳ giông khổng lồ sống ở các sông suối từng rất phổ biến ở Trung Quốc. Trong lịch sử, ăn thịt loài này từng là điều cấm kỵ. Tuy nhiên, ngày nay kỳ giông khổng lồ được xem như món đặc sản để lấy may. Săn bắt kỳ giông hoang dã bị cấm, nhưng các trang trại nhân giống thương mại đang rộ lên. Kỳ giông khổng lồ lớn nhất có thể đạt giá bán hơn 1.500 USD.
Nhóm nghiên cứu thực hiện khảo sát thực địa ở 97 địa điểm khác nhau tại 16 trên 23 tỉnh của Trung Quốc. Đây là cuộc khảo sát động vật hoang dã lớn nhất tại nước này từ trước tới nay. Kỳ giông khổng lồ được tìm thấy trong điều kiện tự nhiên ở 4 địa điểm, nhưng phân tích gene chỉ ra chúng không phải động vật bản địa đối với môi trường địa phương và có thể thoát ra trang trại nhân giống.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ủng hộ thả rộng rãi kỳ giông nuôi trong trang trại vào tự nhiên như một biện pháp bảo tồn. Nhưng hoạt động này có thể mang đến nhiều tác hại hơn là lợi ích. Nhóm nghiên cứu phát hiện những con kỳ giông khổng lồ không thuộc cùng một loài, mà có thể đến từ 5 - 8 loài. Thả động vật lưỡng cư vào tự nhiên mà không cân nhắc khác biệt về gene có thể đẩy tương lai của chúng tới nguy cơ lớn hơn.
Kỳ giông khổng lồ nằm trong danh mục loài "cực kỳ nguy cấp" trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và là động vật được bảo vệ ở Trung Quốc. Chúng đôi khi còn được gọi là "wa wa yu" hay "cá em bé" bởi tiếng kêu khi hoảng sợ nghe giống tiếng trẻ em khóc.
Theo Phương Hoa/Dân Việt