Thanh Mì là cách gọi ghép thân quý tên chủ vườn Trần Đình Thanh với nghề trước đây của người vợ Ngô Thị Điểu là nghề bán mì quảng.
Khu vườn cây ăn trái nơi dốc Cùi Chỏ trên đường lên thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh (theo quốc lộ 55) của ông Thanh Mì mùa này luôn đông người đến mua mang về và trải bạt ngồi ăn tại chỗ. Có ngày cả năm bảy xe ô tô chở khách tới, bạt trải dài dọc theo 2 bờ con suối trong vườn ông Thanh để ăn trái cây và ca hát. Ông Thanh Mì đặc biệt là người nông dân nói không với thương lái, ông cho biết từ ngày các loại cây trong vườn cho trái đến nay, ông chỉ bán lẻ tại vườn...
|
Vườn sầu riêng của ông Trần Đình Thanh. Ông Thanh hiện rất phấn khởi với mô hình trồng vườn cây ăn trái cho khách du lịch vô hái, nói không với thương lái. |
Vườn sạch, trái sạch, khách du lịch mới ham
“Mình bán sỉ cho thương lái khỏe thân mình hơn. Này nhé, tiền thu gọn một lần nhưng lỡ họ ngâm thuốc bậy bạ thì tội cho người dùng và cũng uổng công mình giữ vườn sạch. Nhiều thương lái tới đây đưa lời ngon ngọt để sỉ cho họ, tôi đều từ chối hết...", ông Trần Đình Thanh cho hay.
Ông Thanh chia sẻ thêm: "Dù chôm chôm chín đỏ cây, dù sầu riêng rụng bịch bịch đầy vườn, mít thơm tới võng nằm tôi cũng chờ khách mua lẻ. Mà hổng có dư đâu, người ăn bây giờ khảnh lắm, người ta quá sợ thuốc, ăn ba cái thứ độc hại đó vô người thì ăn làm gì. Họ lặn lội đến đây, cách trung tâm Lạc Tánh 5 cây số chớ mấy, để có trái sạch cho mình và người thân dùng, vừa tươi ngon vừa yên tâm. Vừa ăn vừa ngắm cảnh đẹp, hít thở không khí trong lành, ăn vậy mới là ăn chớ!...”.
Cùng dừng lại với ông Thanh Mì trước mấy cây mít tố nữ trái đeo dày đặc từ trên ngọn xuống gốc, nhìn cứ như một bà mẹ trăm con bu quanh, tôi chợt hiểu ra cái hồn cốt của văn hóa miệt vườn là ở cái nếp nghĩ thiện lương...
Thiện lương mới được bù đắp như hình ảnh cây mít “bà mẹ trăm con” xum xuê no đủ, thiện lương từ đời này truyền sang đời khác như niềm tin dung dị mà chạm lẽ trời, mà thấu lẽ người của ông Thanh: “Ông trời có mắt, mình lương thiện rồi trời cũng ngó tới, nghèo cho sạch, rách cho thơm, bao đời nay dân mình như thế mà”, ông Thanh bộc bạch.
Mặc cho xung quanh, một số người điên cuồng bất chấp vì đồng lời mà không nghĩ tới bệnh tật về sau của khách hàng, mặc cho ai đó cứ nuông theo cái lý lẽ dễ dãi “ai cũng ngâm thuốc tội gì mình không ngâm”, ông Thanh Mì vẫn vững lòng sống đúng với những gì gọi là đạo lý của con người, ông làm vườn sạch.
Để cây ăn trái thêm tươi tốt ông Thanh dứt khoát chỉ bón phân chuồng. Cây bị sâu đục thân, ông bắc thang leo tận nơi, dùng mũi rựa, mũi dao móc sâu, móc trứng ra. Mùa cây thay lá, sâu ăn lá non, đêm đến ông cầm đèn pin vừa rung cành vừa bắt sâu. “Vườn sạch, cây sạch, trái sạch thì lương tâm người làm vườn mới thanh sạch được”, ông nói với chúng tôi như thế rồi cười rất tươi, nụ cười an nhiên chân chất của người nông dân suốt đời lương thiện.
Vào mùa, thu hàng cả trăm triệu mỗi tháng
Nhà của ông Trần Đình Thanh ở khu phố Lạc Tín, thị trấn Lạc Tánh, từ ngày làm khu vườn 2 mẫu ở cua Cùi Chỏ, ông Thanh ở lại vườn luôn. “Làm vườn sạch công phu lắm!”, ông nói với chúng tôi như vậy rồi im lặng một quãng dài, rồi ông kể lại những ngày đầu “lên bờ xuống ruộng” khi ông bắt đầu khai khẩn mảnh đất này.
Lúc bấy giờ, chưa có quốc lộ 55 chạy ngang qua. Nguyên một dọc đất này toàn rẫy trồng khoai mì, chỉ một vài người trồng xen thêm đào lộn hột như khu rẫy của ông Thanh. Làm cực nhọc nhưng thu nhập không bao nhiêu, kiếm được chén cơm chảy máu con mắt, cứ sáng đi chiều về, đâu có ai dám ở lại đây.
Sau rộ lên phong trào trồng tiêu, ông Thanh phá đào lộn hột trồng tiêu, bao nhiêu vốn liếng ông dồn hết vào khu đất nửa vườn nửa rẫy này. Vào thời điểm 1995, thu chưa được mấy mùa, nợ đầu tư vào trụ tiêu vừa trả xong thì tiêu mất giá thê thảm, công nhà hái thì còn có chút tiền còm, thuê mướn thì coi như đâu vào đó hết. Đêm về, ông Thanh cứ nằm vắt tay lên trán, nỗi lo lắng làm ông thao thức mãi không sao chợp mắt được. May mà có xoong mì quảng của vợ ông, phụ thêm thu nhập không thì không cách gì nuôi nổi 8 đứa con.
Một lần, sau đêm thức trắng, sáng ra ông vội vàng ra chợ Lạc Tánh tìm xin hột sầu riêng về ươm, ông nghĩ phải chuyển hẳn sang làm vườn cây ăn trái mới mong có thu nhập khá hơn. Lấy ngắn nuôi dài, trong khi sầu riêng chưa khép tán, chưa ra trái thì xem như trụ để tiêu bò lên.
Khi cả vườn hơn 100 cây sầu riêng cao lòng ngòng, đã 7, 8 năm tuổi mà vẫn chưa ra trái ông Thanh mới "tá hỏa" biết hiện nay nhà vườn Đồng Nai chỉ trồng sầu riêng ghép 4 năm cho trái ngay chứ không trồng hột như ông. Ông sắp xếp công việc tức tốc đón xe vào Long Khánh để tìm hiểu thêm và mua giống ghép.
Mua được giống sầu riêng ghép, ông Thanh về trồng dặm vào những chỗ cây chết và trồng thêm ra những vùng đất còn trống. Thấy vườn rộng vậy chớ cây này cách cây kia 12 m thì cả vườn cũng chỉ 150 cây. Cũng trong chuyến đi đó, ông mua được một số giống cây chôm chôm và mít tố nữ.
Chính ông Thanh cũng bất ngờ vì giống chôm chôm Thái trồng trên đất này lớn nhanh như thổi, cành lá xanh tốt xum xuê và cho trái trĩu cành, trái lại ngọt không thua gì chôm chôm Long Khánh. Trước giờ ở Bình Thuận không ai trồng chôm chôm cả, có lúc ông Thanh cứ tưởng việc thử nghiệm trồng chôm chôm của ông không mang lại kết quả nhưng ngay mùa trái chiếng đầu tiên ông đã vui mừng vì biết mình thành công.
Ngay lúc ấy, quốc lộ 55 vừa phóng đường lại chạy ngang vườn ông. Trước tình hình chung là trái cây ngâm thuốc tràn lan trên thị trường, người nông dân bán cả mùa trái cho thương lái. Họ mua xong là đem thuốc tăng trưởng vào phun, hái đem về lại ngâm lần nữa, ăn trái cây ấy chính là ăn thuốc độc, ông Thanh biết nên quyết không bán cho thương lái.
Điều bất ngờ với chúng tôi khi cuối buổi trò chuyện ông Thanh Mì mới tự hào cho biết mình là con của Mẹ Việt Nam anh hùng Đinh Thị Diêm, quê ở Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Anh ruột của ông Thanh là Trần Đình Lưu, chị ruột Trần Thị Thông, em ruột Trần Đình Chính đều là liệt sĩ. Ông Thanh lớn lên trong một gia đình yêu nước, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Tôi hỏi: Ước muốn của ông bây giờ là gì? Ông Thanh lại cười vui: Tôi nghĩ trời cho tôi làm được khu vườn sạch này, lại cho nó thành một địa điểm du lịch thuận lợi trên đường 55, khách ra vô nhiều như hiện nay...", ông Thanh tâm sự.
Ông chia sẻ thêm: "8 người con của vợ chồng tôi đều được ăn học đàng hoàng và đã trưởng thành. Con đầu là Trần Đình Trung đã vững vàng với 10 mẫu cao su, con út là Trần Đình Khương cũng đã trở thành nhà giáo dạy Trường THCS Lạc Tánh. Những người con khác đều có gia đình, có công ăn việc làm đàng hoàng. Tôi còn mong gì hơn nữa?! Ráng giữ vườn sạch cho bà con có trái cây sạch ăn, khỏi phải nơm nớp lo sợ mang bệnh tật vào người. Hơn nữa, ráng sống tốt để đức lại cho con cháu. Thu nhập hiện dư sống, nhu cầu của vợ chồng già chẳng bao nhiêu, mà có sống nghèo một chút tôi cũng làm vườn sạch, trước là vì để lương tâm mình thanh thản, không bị cắn rứt. Làm vườn vậy là vui rồi...".
Theo Nguyễn Tân Hải/Báo Bình Thuận