Đó là trường hợp của anh Phan Thanh Quang (SN 1993) ở khu 6, thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu).
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở thị trấn Tân Uyên, thấm thía nỗi nhọc nhằn của bố mẹ và bà con lối xóm, ngay từ nhỏ cậu bé Quang đã ước ao sau này có một công việc ổn định, không phải suốt ngày chân lấm, tay bùn.
Ao ước đó đã thôi thúc Quang học hành chăm chỉ, trở thành học sinh giỏi của lớp, của trường. Ngày Quang thi đỗ vào Học viện Nông nghiệp Hà Nội, gia đình, họ hàng và bà con lối xóm ai cũng mừng, khen cậu có chí hướng.
"Tôi theo học khoa Môi trường tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Năm 2014, sau khi tốt nghiệp, cầm bằng kỹ sư môi trường trong tay, tôi không làm hồ sơ dự tuyển vào cơ quan nhà nước hay bất kỳ công ty, doanh nghiệp nào, mà ở nhà làm nông dân. Biết chuyện, không ít người chê trách bảo, tưởng học xong làm ông nọ, bà kia, chứ về làm nông dân thì cần gì phải học cao...".
Bỏ ngoài tai những lời bàn ra, tán vào đó, anh Quang dồn hết tâm huyết vào trồng và chăm sóc vườn ổi của gia đình.
Qua câu chuyện với anh Quang, được biết, vệc anh lựa chọn khởi nghiệp từ trồng ổi là hoàn toàn có cơ sở. 50 cây ổi mà bố mẹ anh trồng ở góc vườn của gia đình trước đó, sinh trưởng, phát triển tốt, ra quả sai trĩu cành. Đó là giống ổi lê Đài Loan.
Nhận thấy có thể làm giàu từ trồng giống ổi lê Đài Loan này, anh Quang đã không chút đắn đo, quyết định nhân rộng diện tích trồng ổi lên 6.000m2, tương ứng với 200 cây.
|
Vào vụ thu hoạch ổi lê Đài Loan, ngày nào anh Quang cũng có mặt trong vườn để hái ổi bán cho khách. |
Dẫn chúng tôi ra khu vườn phía sau nhà, chỉ tay vào những cây ổi thấp tè, cây nào, cây nấy cũng trĩu quả, ngồi xổm cũng có thể hái được, anh Quang phấn khởi nói: “Tôi thường xuyên tỉa cành, tạo bộ khung tán hợp lý cho vườn ổi, không để cây ổi phát triển quá cao, gây khó khăn cho khâu chăm sóc và thu hoạch..."
Theo anh Quang, muốn cây ổi lê Đài Loan cho quả nhiều lứa trong năm thì không có cách nào hữu hiệu đó là phải thường xuyên bấm ngọn, tạo chồi mới cho ổi ra hoa, kết quả.
Với mỗi cây ổi không nên bấm ngọn đồng loạt mà bấm theo định kỳ và theo từng đợt, từng lớp từ thấp đến cao và ngược lại. Làm như vậy anh có thể thu hoạch ổi liên tục từ tháng 9 năm trước đến tháng 5 năm sau...
Bổ quả ổi to như vốc tay vừa hái xong, anh Quang mời chúng tôi ăn thử ngay tại vườn. Thấy chúng tôi lưỡng lự, anh Quang trấn an bằng câu nói chắc nịch: “Ổi sạch đấy, các anh không phải lo. Cả vườn ổi này không có tí thuốc trừ sâu hay phân hóa học nào đâu. Tôi sử dụng chế phẩm sinh học để phun phòng trừ sâu bệnh cho vườn ổi. Việc phun thuốc phòng trử nấm, rệp cũng chỉ thực hiện trong thời gian dưỡng cây thôi, còn khi cây ra quả là tôi không sử dụng nữa...".
Đúng như lời anh Quang nói, ổi nhà anh trồng ăn rất ngon, giòn, ngọt. Trái ổi không chỉ giòn, ngọt mà còn rất thơm và ít hạt.
Theo anh Quang, trồng, chăm sóc ổi Đài Loan không đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật, nhưng lại khá bận rộn “như chăm con mọn”. Ngày nào, anh Quang cũng có mặt ở vườn ổi, khi thì làm cỏ, bón phân, lúc lại tỉa cảnh, tạo tán, bọc quả, theo dõi sâu bệnh.
Bận bịu nhất là vào thời điểm hái ổi chín bán cho khách. Sợ mất thương hiệu, nên anh Quang không bán buôn cho thương lái mà chỉ bán lẻ cho khách. Nhiều người đến tận vườn nhà anh để mua ổi về ăn.
Với 200 cây ổi lê Đài Loan, mỗi năm anh Quang thu hơn 12 tấn quả ổi tươi. Bình quân mỗi cây ổi lê Đài Loan cho thu khoảng 80kg quả/năm. Anh Quang bán quả ổi tươi cho khách với giá dao động từ 25.000-30.000 đồng/kg, mỗi năm anh thu hơn 300 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, anh Quang “đút túi” hơn 200 triệu đồng/năm.
Theo Thanh Ngân/Dân Việt