Lãi suất tiết kiệm thay đổi sao sau quyết định của NHNN?

Google News

Sau khi NHNN áp dụng lãi suất điều hành mới vào ngày 23/9, ngoại trừ các "ông lớn" Nhà nước, các NHTMCP đều có động thái điều chỉnh mặt bằng lãi suất huy động của mình, ở hầu hết các kỳ hạn. 

NHNN thông báo tăng một số lãi suất điều hành, sau gần 11 năm kể từ lần tăng gần nhất, trong đó đáng chú ý nhất là việc tăng 100 điểm cơ bản cho một số lãi suất như lãi suất chiết khấu, tái cấp vốn và trần lãi suất huy động dưới 6 tháng.
Với mức điều chỉnh kể trên, lãi suất điều hành đã về lại mức tương đương tháng 3/2020 và thấp hơn 50 điểm cơ bản so với thời điểm trước Covid (ngoại trừ trần lãi suất huy động dưới 6 tháng). Động thái này diễn ra ngay sau khi Fed nâng lãi suất điều hành trong kỳ họp tháng 9 và tương đồng với xu hướng của các NHTW khác sau quyết định của Fed.
Theo SSI Research, tuy việc tăng lãi suất này không gây quá nhiều bất ngờ cho thị trường (khi mặt bằng lãi suất trên thị trường 2 đã liên tục tăng kể từ cuối tháng 7), mức tăng 100 điểm cơ bản trong 1 lần được đánh giá là tương đối lớn so với các quyết định trước đó của NHNN và so với các quốc gia trong khu vực.
Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất nghiêng nhiều về hướng duy trì môi trường ổn đỉnh tỷ giá, hơn là kiểm soát lạm phát khi chỉ số CPI vẫn ở trong tầm kiểm soát. SSI Research cho rằng, dư địa để NHNN tiếp tục tăng lãi suất điều hành là có khi lạm phát có thể sẽ cao hơn giai đoạn trước Covid trong khi đó mặt bằng lãi suất vẫn thấp hơn mức trước Covid.
Lai suat tiet kiem thay doi sao sau quyet dinh cua NHNN?
 
Sau khi NHNN áp dụng lãi suất điều hành mới vào ngày 23/9, ngoại trừ các "ông lớn" Nhà nước, các NHTMCP đều có động thái điều chỉnh mặt bằng lãi suất huy động của mình, ở hầu hết các kỳ hạn. Trong đó ghi nhận mức tăng kịch trần lên 5%/năm ở kỳ hạn dưới 6 tháng tại Kiên Long Bank, Sài Gòn Bank, SCB...
Với kỳ hạn 6 tháng, mặt bằng tiền gửi kỳ hạn 6 tháng giao động từ 4-7,1%/năm. Trong đó, CBBank đang đưa ra mức lãi suất tiền gửi khá hấp dẫn lên tới 7,1%/năm. Tiếp theo có Bắc Á Bank với mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng lên 6,8%/năm hay NCB 6,75%/năm... Riêng các "ông lớn" Nhà nước BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank vẫn duy trì mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng ở mức 4-4,8%/năm.
 Ở kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất tiền gửi được các ngân hàng đưa ra có khoảng cách chênh lệch khá rộng từ 5,3%-7,45%/năm. Trong đó, CBBank vẫn là nhà băng có lãi suất ưu đãi tới 7,45%/năm, tiếp theo là SCB với 7,3%/năm, Đông Á Bank với 7,2%/năm hay Bắc Á Bank 7,1%/năm.
Minh An